Hạ tầng đô thị và môi trường là vấn đề cấp bách của Hà Nội

Cập nhật: 14/07/2011
Đây là kết luận của Đồng chí Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội về Dự thảo Chương trình “Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường” tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố (khoá XV) ngày 12/7.

Đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường ở Hà Nội được xác định là một trong những nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá của cả nhiệm kỳ, là vấn đề vừa cấp bách trước mắt vừa cơ bản lâu dài, có tác động trực tiếp tới nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân Thủ đô, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị. 

Đồng chí Phạm Quang Nghị lưu ý, thành phố cần có giải pháp cụ thể hơn để kiên quyết khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác quy hoạch, tổ chức quản lý, vận hành, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó Thành phố Hà Nội cần nghiên cứu, lựa chọn để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của Thủ đô, bảo đảm tính liên hoàn, đồng bộ, bền vững, từng bước hiện đại, phát triển cân đối, hài hòa giữa các khu vực, vừa giải quyết được những vấn đề bức xúc của đô thị hiện nay, vừa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững trong tương lai.

Theo đó, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiến hành rà soát, ưu tiên đầu tư một số dự án, công trình trọng điểm, hạ tầng khung của Thành phố, đặc biệt là hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí. 

Chủ trương xã hội hóa nhằm phát huy tối đa các nguồn lực của xã hội cũng là một trong những nhiệm vụ cần đẩy mạnh.

Theo Bí  thư Thành ủy Hà Nội, Thành phố cần xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách bảo đảm khả năng kiểm soát được các nguồn lực một cách chặt chẽ, hiệu quả, đặc biệt là nguồn lực đất đai. Và đồng thời xác định đây là nguồn lực rất quan trọng, cần phải sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm để tạo vốn cho các công trình trọng điểm hạ tầng của Thành phố; về chủ trương đầu tư, nói chung khuyến khích các hình thức BOT, BTO hoặc PPP. Cả khi sử dụng quỹ đất để BT hoặc đấu giá cũng cần đảm bảo công khai và hiệu quả, tránh tiêu cực, thất thoát tài sản, tài nguyên của Thành phố và của đất nước. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố; cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp trong xây dựng, phát triển và quản lý đô thị. 

Theo Dự  thảo Chương trình, giai đoạn 2011-2015, Hà Nội sẽ hoàn thành các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, quốc lộ 32; Triển khai và hoàn thành một số tuyến đường vành đai 2, vành đai 3, vành đai 2,5; vành đai 3,5 và vành đai 4.

Các tuyến đường chính đô thị cũng sẽ hoàn thành để giảm ùn tắc giao thông. Cũng trong 5 năm tới, TP sẽ đầu tư xây dựng, cải tạo 35 cầu yếu trên các tuyến đường giao thông, khai thác tối đa mạng lưới đường hiện có đảm bảo giao thông và hiệu quả trong vận tải. Đồng thời, xây dựng 18 cầu đi bộ qua đường theo kết cấu lắp ghép, gọn nhẹ, an toàn. Hoàn thành 9 nút giao thông.

Đến năm 2015, Hà Nội đặt chỉ tiêu hoàn chỉnh các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đến năm 2030, tầm nhìn 2050; đảm bảo 100% các quận, huyện, thị xã có quy hoạch chi tiết hạ tầng kỹ thuật. Tổng diện tích đất dành cho giao thông đạt 8,5-9% diện tích đất đô thị; vận tải hành khách công cộng đáp ứng 16-18% nhu cầu đi lại của nhân dân; diện tích đất cây xanh bình quân đạt 7m2/đầu người; tỷ lệ dân đô thị được sử dụng nước sạch 100% với lượng nước sạch bình quân 130-150 lít/người/ngày đêm; ngầm hoá hệ thống cáp điện, thông tin (tại khu vực nội thành cũ 35 tuyến phố; tại khu vực mới phát triển, các tuyến đường mới 100%)...

Theo ông Phạm Quang Nghị, một trong những quan điểm chung khi xây dựng hoàn thiện Chương trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường cũng như 3 Chương trình công tác của Thành ủy là phải chọn những vấn đề trọng tâm cần giải quyết, phù hợp với đặc điểm, tình hình từng lĩnh vực công tác; đồng thời, bám sát nội dung và các chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ Thành phố, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để có lộ trình và giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả./.

 

Nguồn: vea.gov.vn/Chinhphu