Quảng Ninh đã sớm khoanh vùng bảo vệ các giá trị về cảnh quan thiên nhiên, địa chất, địa mạo của di sản Vịnh Hạ Long và đưa vào khai thác phục vụ du lịch phát huy hiện quả cao. Tỉnh đẩy mạnh hoạt động du lịch, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, điều tra xây dựng dữ liệu về tài nguyên môi trường biển, hải đảo và đề xuất triển khai các dự án nghiên cứu xây dựng và cập nhật kế hoạch ứng phó với sự cố tràn dầu trên vùng di sản Vịnh Hạ Long.
Công tác tu bổ, phục hồi, đầu tư và tôn tạo xếp hạng khoanh vùng bảo vệ các di tích thuộc Vịnh Hạ Long đang từng bước được quan tâm, nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật bảo đảm an toàn, thuận tiện cho khách và tàu du lịch tại các điểm tham quan như ở các hang, động: Thiên Cung, Đầu Gỗ, Sửng Sốt, Ti Tốp, Mê Cung, Trung tâm văn hóa nổi Cửa Vạn và các điểm lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh, đồng thời mở rộng và bổ sung các tuyến, điểm du lịch trên Vịnh. Các di sản văn hóa phi vật thể như: ca dao vùng biển trên làng chài Cửa Vạn, các điệu hát giao duyên, lễ hội đền Bà Men, lễ hội truyền thống của Làng chài Thuỷ Cơ (phường Hà Khánh, tp Hạ Long)… từng bước được phục dựng và tạo sự hấp dẫn về văn hóa truyền thống của ngư dân làng chài trên Vịnh đối với du khách tham quan Vịnh Hạ Long.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng việc triển khai thực hiện quản lý về bảo vệ môi trường sinh thái. Tỉnh quy định Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam có giải pháp triệt để xử lý chất thải rắn, nước thải của các mỏ khai thác than chảy xuống Vịnh, trồng cây xanh hoàn nguyên môi trường. Đối với các hoạt động lấn biển, chủ dự án phải xây dựng kè bao hoặc đổ bờ bao trước khi san lấp, có vét bùn để tránh bồi lắng vùng Vịnh. Ban quản lý Vịnh Hạ Long được giao nhiệm vụ thu gom và xử lý rác thải vùng ven bờ từ phường Hồng Hà đến phường Hùng Thắng và một số khu dân cư làng chài trên Vịnh nên đã hạn chế được rác trôi nổi ven bờ. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, qua đó đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều vụ vi phạm gây ảnh hưởng đến cảnh quan, hệ sinh thái, chất lượng nước Vịnh Hạ Long như đổ bùn thải không đúng nơi quy định trên Vịnh; xả rác, xả nước thải vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép; thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung cam kết bảo vệ môi trường; hiện tượng phá đá, chặt cây, lấy nhũ đá, khai thác, mua bán san hô…
Nhờ bảo vệ tốt di sản Vịnh Hạ Long nên du lịch dịch vụ của Quảng Ninh đã có nhiều khởi sắc trong những năm gần đây. Mỗi năm có hàng triệu lượt khách đến du lịch, tham quan Vịnh Hạ Long và bình quân mỗi ngày có hơn 1.000 khách du lịch lưu trú trên Vịnh. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2011, Quảng Ninh đã thu hút được gần 4 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 1.977 tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch./.