Phát hiện cộng đồng vượn quý hiếm lớn nhất tại Việt Nam

Cập nhật: 20/07/2011
Một cộng đồng vượn bạc má 455 con ở trạng thái bảo tồn cực kỳ nguy cấp vừa được tìm thấy ở Vườn quốc gia Pù Mát thuộc tỉnh Nghệ An giáp Lào, Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (Conservation International-CI) thông báo ngày 18/7.
Cộng đồng này chiếm 2/3 tổng số vượn bạc má ở Việt Nam và là nhóm vượn bạc má duy nhất được khẳng định là có thể tồn tại và phát triển độc lập.
“Đây là kết quả tìm kiếm đặc biệt ý nghĩa, thể hiện tầm quan trọng to lớn của những khu bảo tồn trong việc cung cấp nơi trú ẩn cuối cùng cho thế giới hoang dã khốc liệt trong khu vực”, TS Russell Mittermeier, Chủ tịch CI, nói.
Lần theo tiếng kêu to, nhiều hợp âm và kéo dài của lũ vượn, các nhà nghiên cứu của CI xác định được chúng đang sinh sống ở trên núi cao, cách xa nơi con người ở. Trước đây, họ tìm thấy những nhóm nhỏ sống ở các khu vực khác.
Số lượng vượn bạc má trên thế giới được cho là giảm tới 80% trong vòng 45 năm qua. Theo TS. Mittermeier, loài linh trưởng này đang trên bờ vực tuyệt chủng. Chúng đã được coi là tuyệt chủng ở Trung Quốc, nhưng có thể còn nhiều ở Lào.
CI cho rằng, kế hoạch xây một con đường xuyên qua Vườn Quốc gia Pù Mát để tăng cường tuần tra biên giới Việt-Lào gây ra mối đe dọa lớn đối với tương lai của loài linh trưởng quý hiếm này.
“Vấn đề chính vẫn là việc săn bắn loài vượn này, vì vậy, cần kiểm soát súng một cách chặt chẽ. Nếu không có sự bảo vệ trực tiếp ở Vườn Quốc gia Pù Mát, Việt Nam có thể đánh mất loài vật này trong tương lai gần”, nhà nghiên cứu động vật linh trưởng Lưu Tường Bách, cố vấn của CI, người dẫn đầu chuyến nghiên cứu thực địa, nhận định.
Mất môi trường sống, bị săn bắn làm vật nuôi hoặc làm thuốc là những nguy cơ chính đối với loài vượn ở Việt Nam, theo CI.
Vượn được coi là loài linh trưởng lãng mạn nhất vì chúng cặp đôi sống suốt đời với nhau và hát dạ khúc cho bạn đời nghe. 


Vượn đen má trắng chủ yếu ăn lá, trái cây, búp cây, hoa và thỉnh thoảng ăn cả trứng, chim non và côn trùng. Chúng di chuyển giữa các tán cây rừng nhiệt đới chứ hiếm khi xuống mặt đất.
Loài vượn này có tính lưỡng dục thấp và không làm tổ. Chúng nằm trong 6% các loài linh trưởng hình thành cặp đôi "một vợ một chồng". Chúng là những chú linh trưởng lãng mạn nhất, hát để thu hút đối phương và để duy trì mối quan hệ, chúng cũng hát cho nhau nghe.
Việt Nam có 6 loài vượn mào chi Nomascus, chúng đều là những loài linh trưởng bị đe dọa nhất trên thế giới. Có thể chỉ còn khoảng 200 nhóm vượn má trắng có mào ở còn lại ở Việt Nam. Đánh giá liên tục về tình trạng của loài vượn này cho CI và FFI cho thấy số lượng loài đã sụt giảm nhanh chóng trong 25 năm qua chủ yếu do việc thay đổi môi trường sống, săn bắt trái phép để làm thuốc và thú nuôi.
Nguồn: vacne.org.vn