Hãy cứu Cò mỏ thìa ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy

Cập nhật: 19/07/2011
Do sự xâm thực của nước biển, nạn phá rừng, săn bắn... khiến chim trong Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy (huyện Giao Thủy, Nam Định) giảm đi đáng kể, nhất là loài cò mỏ thìa có trong sách Đỏ thế giới...
Trước khi thành lập VQG, tháng 1/1989 khu vực này đã được UNESCO chính thức công nhận gia nhập Công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar). Ông Nguyễn Viết Cách - Giám đốc VQG Xuân Thủy cho biết: "Hàng năm có khoảng 100 loài chim di cư chọn nơi đây là điểm lưu trú trên đường di cư về phương Nam trú đông. Trong đó, có tới 1/6 số lượng cò mỏ thìa của toàn thế giới. Hiện trong VQG Xuân Thủy ước tính có 215 loài chim nước sinh sống, nhiều loài gần như tuyệt chủng có tên trong sách Đỏ thế giới như: Rẽ mỏ thìa, bồ nông, cò mỏ thìa, choi choi mỏ thìa... ngoài ra còn có khoảng 165 loài động vật nổi và 154 loài động vật đáy, 120 loài thực vật bậc cao". Nhưng đó là "ngôi nhà" của các loài chim cách đây gần chục năm về trước. Còn nay, sự biến đổi khí hậu đang khiến hàng chục ha phi lao, sú, vẹt bị chết, làm mất nơi kiếm ăn, trú đậu, cùng với nạn chặt phá rừng để làm ao, hồ nuôi trồng thủy sản, săn bắn và sự quản lý lỏng lẻo của Ban Quản lý VQG khiến số lượng chim giảm đi đáng kể (khoảng 20 - 30%) so với trước.
Theo ông Nguyễn Trọng Trải - chuyên gia nghiên cứu chim Việt Nam, thì số lượng chim ở VQG Xuân Thủy giảm nhiều là do rừng bị nước biển xâm thực thu hẹp dần, các khu đầm là nơi kiếm thức ăn lý tưởng của chim, đã bị biến thành các đầm nuôi tôm, ngao. Nạn săn bắn, đánh bẫy chim, khiến số lượng chim giảm rõ rệt, nhất là cò mỏ thìa. Ngoài ra việc cho các hộ dân tự do vào rừng để khai thác thủy sản và họ lợi dụng để bẫy, săn bắn chim cũng là một nguyên nhân".
 
Nguồn: monre.gov.vn