Phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường

Cập nhật: 25/07/2011
Dự án phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ESRT) sẽ được thực hiện trong 5 năm (2011-2015). Theo Trưởng nhóm Tư vấn Dự án ESRT Jan Bjarnason, “mục tiêu cơ bản của Dự án này là nhằm đưa các nguyên tắc du lịch có trách nhiệm vào ngành du lịch Việt Nam, để nâng cao khả năng cạnh tranh và góp phần triển khai thành công kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của chính phủ; đồng thời tăng cường các dịch vụ du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội như một phần chiến lược ngành cho du lịch Việt Nam.”

Hướng dẫn viên giới thiệu với du khách đặc sản trái cây miệt vườn Vĩnh Long (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)

Hội thảo lần đầu tiên về Dự án được xây dựng trên cơ sở thành công của Dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch do EU tài trợ (2004-2010)  này vừa được tổ chức  tại Hà Nội hôm nay, 22/7.

Nâng cao ý thức để phát triển bền vững

Trên thực tế Việt Nam hiện nay, một trong những vấn đề quan trọng cần làm ngay để có thể phát triển bền vững du lịch chính là việc cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm mỗi cá nhân đối với các hoạt động liên quan tới bảo vệ môi trường.

Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Sean Doyle đánh giá: “Trong sự hợp tác phát triển này, chúng tôi muốn quan tâm nhiều hơn tới vấn đề ý thức trách nhiệm về môi trường và xã hội. Hiện nay chúng ta đang chịu nhiều sức ép lớn từ việc biến đổi khí hậu, nên trong du lịch đặc biệt cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm mỗi cá nhân để có thể đảm bảo phát triển bền vững về môi trường, về an toàn lương thực thực phẩm… Vì những yếu tố đó có thể góp phần tác động tích cực hay tiêu cực tới sự phát triển của du lịch tại Việt Nam.”

Ông Sean Doyle cũng cho rằng, đây là một dự án tổng thể và phức tạp có sự góp mặt của các đối tác “nặng ký” sẽ giúp Việt Nam tiếp cận được nhiều tiêu chí về mặt quản lý người lao động trong lĩnh vực du lịch.

Chính vì thế, mục tiêu trong khuôn khổ dự án sẽ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định như xóa đói giảm nghèo, các vấn đề liên quan tới bình đẳng giới cũng như sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực du lịch.

"Sức mạnh và cũng là thế mạnh của du lịch Việt Nam hiện nay là có rất nhiều loại hình hoạt động khác nhau có thể lồng ghép để mang lại những lợi thế, lợi ích cho những người dân sống ở vùng sâu vùng xa, hay những người dân tộc thiểu số… Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới sự tham gia của lực lượng lao động nữ giới vào các hoạt động du lịch,” vị Đại sứ nhấn mạnh.

Và thực tế thời điểm này, Liên minh châu Âu đã sẵn sàng để thực hiện dự án phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, hỗ trợ tích cực Việt Nam trong lĩnh vực du lịch vì đó là lĩnh vực năng động của Việt Nam hiện nay.

Cơ hội cho người nghèo

Dự án ESRT là chương trình xây dựng năng lực cho tất cả các đối tác chính trong ngành du lịch, được thiết kế nhằm lồng ghép các thông lệ du lịch có trách nhiệm vào tất cả các khía cạnh chính sách, quy hoạch, quản lý điểm đến, hoạt động kinh doanh, giáo dục và nâng cao nhận thức ở cấp quốc gia, cấp khu vực và cấp tỉnh.

Theo đó, các nguyên tắc du lịch có trách nhiệm sẽ tạo nền tảng cho việc xây dựng ngành du lịch bền vững hơn, cạnh tranh hơn và năng suất hơn, từ đó mở ra cơ hội cho những người nghèo và các nhóm thiệt thòi như phụ nữ và các dân tộc thiểu số.

Dự án cũng gắn kết hài hòa với các chương trình của các nhà tài trợ khác và các cơ quan phát triển đang hoạt động trong ngành du lịch ở Việt Nam.

Về phần Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, “với cam kết đóng góp 11 triệu Euro và thời gian triển khai các hoạt động kéo dài trong 5 năm, Bộ đánh giá cao và rất coi trọng sự hỗ trợ kỹ thuật quý báu, kịp thời của Liên minh châu Âu dành cho du lịch Việt Nam trong bối cảnh ngành này tiếp tục được xác định là vùng sản xuất quan trọng tạo bước đột phá để phát triển vượt bậc khu vực dịch vụ.

Chương trình cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015, và chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011-2020,” Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn phát biểu.

Để có thể phát triển đột phá như ông Tuấn nói, trong giai đoạn tới dự kiến ngành sẽ tập trung phát triển du lịch theo hướng có chất lượng cao, trên cơ sở đa dạng hóa và nâng cao tính cạnh tranh giữa các sản phẩm du lịch, cùng với việc tạo ra thu nhập và nhiều cơ hội việc làm cho xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo.

“Đặc trưng của phát triển du lịch Việt Nam sẽ là phát triển bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Do vậy việc triển khai Dự án sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu chiến lược của ngành du lịch, đặc biệt là tăng cường năng lực thể chế,” ông Tuấn khẳng định.

Ông Tuấn cũng bày tỏ tin tưởng: “Kết quả triển khai dự án sẽ có tác động tích cực đến tăng cường năng lực quản lý du lịch thông qua việc xây dựng một khung chính sách hiệu quả hơn, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Việt Nam, phục vụ cho phát triển du lịch”./.

ChiLê

 

Nguồn: TTXVN