Cứu hộ trên biển Vũng Tàu

Cập nhật: 01/08/2011
Bất kể nắng mưa, hàng ngày các nhân viên cứu hộ trên bãi biển Vũng Tàu đều bắt đầu một ngày làm việc căng thẳng từ 6 giờ sáng cho đến 18 giờ 30 tối. Nếu chẳng may du khách đùa giỡn với sóng nước gặp nạn, họ sẵn sàng lao mình xuống biển cứu nạn nhân, bất chấp sóng mạnh, gió lớn. Họ góp phần tạo niềm tin cho hàng triệu lượt du khách đến Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi năm.

Đội “113” trên biển

Ông Trần Văn Trường, giám đốc BQL các Khu du lịch TP. Vũng Tàu cho biết, TP. biển Vũng Tàu hiện có 4 đội cứu hộ thủy nạn, làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn tính mạng cho người dân cũng như du khách đến đây tắm biển. Mỗi đội có từ 8 -10 người, chia nhau làm nhiệm vụ trực cứu hộ ở Bãi Sau - bãi biển có chiều dài 3km và luôn đông khách nhất trong số các bãi biển ở Vũng Tàu.

Đặc biệt là vào những ngày cuối tuần, hoặc lễ hội, khách đông, các cứu hộ viên phải trực 100%, đảm bảo an toàn cho du khách vui chơi, tắm biển. Nhiệm vụ của họ là trực đài quan sát, cắm cờ và hướng dẫn du khách tắm sao cho an toàn. Công việc xem ra có vẻ đơn giản, nhưng thực tế mới thấy họ luôn trong trạng thái căng thẳng, lúc nào cũng sẵn sàng ứng cứu những người không may rơi vào dòng xoáy của thủy triều. Nhất là vào mùa gió chướng, Bãi Sau thường đón những luồng gió xoáy từ biển Đông thổi thẳng vào tạo thành những vũng, ao ngầm trên biển. Mùa gió chướng cũng là mùa khách tắm biển đông nhất trong năm, đây cũng được xem là mùa cực nhất của cứu hộ viên. Khách tắm biển chẳng may “lọt” vào vũng, ao này thì rất nguy hiểm. Thế nhưng, bằng kinh nghiệm của mình, các cứu hộ viên dễ dàng nhận ra “vùng nguy hiểm” để rồi cảnh báo cho khách tắm biển biết bằng những cột mốc giới hạn (cờ đen) để tránh xa.

Anh Trần Hữu Bảo Luyện, 47 tuổi, tổ trưởng đài số 3, sau 27 năm theo nghề anh không thể nào nhớ mình đã cứu bao nhiêu nạn nhân thoát khỏi miệng của thủy thần. Có những nạn nhân vô tình, ham đùa với sóng biển bị cuốn vào vùng nước sâu nguy hiểm, nhưng cũng có không ít nạn nhân do ỷ mình biết bơi, hoặc có chút bia rượu, bất chấp sự cảnh báo của cứu hộ viên nên thường hay ngộ nạn. Chừng ấy năm làm nghề anh bảo đến giờ mình không thể nào nhớ đã cứu bao nhiêu người. Không riêng anh, mà ngay cả những người đồng đội của anh họ cũng không thể nhớ đã mang lại hạnh phúc cho biết bao gia đình. Nhưng có đều họ nhớ chắc chắn là con số đó phải lên đến hàng ngàn! Song vẫn còn đó những ca cấp cứu mà anh Luyện nói có muốn quên cũng không được. Một trong những ca cấp cứu khó quên nhất mới đây không phải cứu một mỹ nhân mà là cứu một người đàn ông khoảng 50 tuổi (nguyên tắc cứu hộ là không được hỏi tên, địa chỉ nạn nhân). Người đàn ông này trước đó đã được anh nhắc nhở đến 3 lần khi ông ta bơi qua mốc giới hạn. Có lẽ do nhắc nhở nhiểu lần, ông ta trở thành tâm điểm chú ý của anh, trong số hàng trăm người tắm hôm ấy. Bởi bằng kinh nghiệm của mình, anh nghĩ nếu ông không nghe lời cảnh báo thì sớm muộn gì cũng rơi vào vùng nước xoáy. Điều anh dự đoán quả không sai. Chưa đầy 10 phút sau anh nghe tiếng kêu cứu: Anh ơi cứu em! Anh ơi cứu em! Em còn một vợ 2 con! Anh nhìn xuống biển thì thấy ông ta “hụp” mất, chỉ còn cánh tay giơ lên chấp chới. Anh vội lao nhanh xuống dòng nước chảy xiết đang nuốt chửng ông ta. Chỉ trong tíc tắc, anh đưa được ông ta lên bờ. Sau khi làm hồi sức ông tỉnh lại, có lẽ vì mắc cỡ nên ông bỏ đi một nước mà quên cả cảm ơn. Tuy không được cảm ơn như anh cảm thấy vui, vì cứu được một người đàn ông chung thủy, sắp chết tới nơi mà còn nhớ đến vợ con, người như ông ta có lẽ thời nay hơi… hiếm!

Một trường hợp khác xãy ra cách đây khá lâu nhưng ấn tượng không kém. Anh nhớ hôm ấy mới hơn 5 giờ sáng, chưa đến giờ trực. Anh cùng với một người bạn đi câu đêm mới về, thả bộ xuống Bãi Sau bán cá để ăn sáng. Vừa xuống đến bãi biển chợt nghe nhiều tiếng kêu: Cứu em! Cứu em!... Bằng phản xạ tự nhiên, anh nhìn ngay xuống biển và thấy một đám trẻ con đang “níu” nhau chìm dần. Anh và người bạn quăng giỏ cá, lao xuống dòng nước đang lần lượt “nuốt” từng em. Cũng may hôm ấy còn có ông Thọ - người đàn ông cụt một tay mưu sinh gần đó đến tiếp ứng, cứu được 12 em thoát khỏi miệng thủy thần. Trong số đó có nhiều em bị “ngộp” phải đưa vào bệnh viện cấp cứu đến nhiều giờ sau mới tỉnh. Sau đó bệnh viện cho anh biết tất cả 12 em đều là học sinh giỏi của một trường trung học phổ thông ở TP.HCM. Anh nói vui: Cũng may là hôm ấy đi câu có cá, chứ nếu không thì có lẽ trong số 12 em học sinh kia ít còn cơ hội về nhà an toàn.

Thường thì du khách sau khi được cứu thoát khỏi miệng của tử thần, thỉnh thoảng cũng có người quay lại hoặc viết thư cảm ơn, nhưng không nhiều. Nạn nhân được cứu sống, cũng giống như du khách tắm biển đến rồi đi, chỉ còn lại hiện hữu trên bãi biển những con người lúc nào da cũng cháy nắng nhưng luôn mang đến sự bình yên cho du khách.

Ngoài sức khỏe còn phải yêu nghề

Đó là câu khẳng định chắc chắn của ông Trần Văn Trường, giám đốc BQL các Khu du lịch TP. Vũng Tàu. Bởi tiêu chí được tuyển chọn làm nhân viên cứu hộ thủy nạn là phải có sức khỏe, bơi lội giỏi, biết lặn, dũng cảm và yếu tố rất quan trọng khác là phải hết lòng với nghề nghiệp. Tuy nhiên, để phát huy tốt các tố chất, đặc thù nghề nghiệp, hàng năm họ được BQL tổ chức huấn luyện chuyên môn 6 tuần tuần lễ về thực hành cấp cứu nạn nhân trên biển, huấn luyện hồi sức cho nạn nhân, huấn luyện thể lực (bơi 2.000m), luyện lái ca nô... Đó là về lý thuyết, còn trong thực tế đào tạo một cứu hộ viên chuyên nghiệp, có kinh nghiệm ít nhất phải 2 - 3 năm mới có thể tác chiến độc lập được.

Theo anh Luyện, thực tế có những ca cứu hộ rất nguy hiểm, do dòng nước chảy xiết, người cứu hộ phải hiểu được qui luật của dòng nước thì mới đưa nạn nhân lên bờ được. Anh cho biết, trong những tình huống cứu hộ cùng lúc 1 - 2 nạn nhân tương đối đơn giản đối với những cứu hộ viên chuyên nghiệp. Nhưng sẽ phức tạp đối với những trường hợp cứu hộ cùng lúc 3, 4 nạn nhân trở lên. Trong những trường hợp này thì người cứu hộ phải có kinh nghiệm trong tiếp cận nạn nhân, không khéo để nạn nhân “đeo” là coi như cùng nhau xuống đáy biển ở luôn! Trong những trường hợp này, người cứu hộ phải lanh trí dùng còi báo động cho đồng đội hổ trợ, đồng thời dùng thế “khóa” một nạn nhân rồi làm phao cho những nạn nhân khác bám vào, bình tĩnh dìu họ vào bờ. Vì thông thường để ứng cứu sao cho nhanh nhất, các cứu hộ viên không bao giờ mặc áo phao, anh Luyện nói.

Khó khăn hiện nay là lực lượng cứu hộ thủy nạn chưa có một trường đào tạo chính thống, dù đây là công tác nhân đạo nhưng họ tự tổ chức đào tạo là chính. Trong đào tạo đã vậy, còn môi trường làm việc cũng vất vả không kém nhưng lương bỗng rất thấp (chưa đến hai triệu đồng/ tháng), không đủ nuôi vợ con, nên hầu hết gia đình nào cũng nghèo chỉ có tinh thần tận tụy là vô bờ bến.

Trong những ngày đi thực tế trên bãi biển Vũng Tàu, chúng tôi ghi nhận sự làm việc hết mình của lực lượng cứu hộ để đảm bảo an toàn cho du khách. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp đáng tiếc xảy ra, do khách tắm biển quá muộn vào ban đêm, ngoài giờ trực của lực lượng cứu hộ; một số khách cố tình bơi ra xa vượt mốc giới hạn đã được các cứu hộ viên hướng dẫn, nhắc nhở nhiều lần. Vì vậy để tránh những điều không may có thể xãy ra, các cứu hộ viên có lời khuyên đối với du khách tắm biển thì nên đến những bãi biển đã được phép kinh doanh, có lực lượng cứu hộ và phải chấp hành qui định của BQL bãi tắm đó. Và để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ rủi ro ngộ nạn, khách không nên tắm đêm, tắm ngoài giờ qui định của BQL bãi tắm… Bởi, triều cường thường lên xuống rất bất chợt, du khách chủ quan (nhiều người uống bia, rượu) xuống tắm rất dễ ở luôn… dưới biển./.

Theo báo cáo của BQL các Khu du lịch TP. Vũng Tàu, 6 tháng đầu năm 2011: Số lượng khách du lịch: 1.414.150 lượt. Cứu vớt du khách lọt vào các vùng ao xoáy: 462 trường hợp. Tai nạn: 02 trường hợp. Chuyển viện: 06 trường hợp. Vớt phao trôi, lật phao: 75 trường hợp

Bài & ảnh: Cao Phương

 

Nguồn: Báo Du lịch