Biến đổi khí hậu và nỗi lo bảo vệ di sản

Cập nhật: 10/08/2011
Biến đổi khí hậu đang gây lo lắng cho rất nhiều nhà quản lý văn hóa khi các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa có nguy cơ biến dạng, bị phá hủy.

Trong một cuộc điều tra của Trung tâm Di sản thế giới để đánh giá mức độ của biến đổi khí hậu, 72% ý kiến cho rằng, biến đổi khí hậu tác động đến di sản thiên nhiên và văn hóa. Khảo sát đối với các di sản thế giới cho thấy, có 19 di sản bị đe dọa do băng tuyết tan, 27 di sản bị ảnh hưởng do nước biển dâng, 24 di sản bị đe dọa do lượng mưa thay đổi, hạn hán, bão tố…

Ở Việt Nam, tuy chưa có thống kê chính thức, song hầu hết các di sản ven biển sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo PGS. TS. Vũ Văn Tuấn, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, đối với các di sản chưa xuất lộ, còn bị vùi trong lòng đất có thể bị biến dạng, hiện vật bị hư hại khi nhiệt độ, độ ẩm trong lòng đất thay đổi, hoặc ngập nước. Sự gia tăng mực nước biển và hoạt động của bão vùng ven biển gây nguy hiểm, xói mòn cho các di sản ven biển, ven sông như vùng văn hóa Sa Huỳnh, Đa Bút, Quỳnh Văn…

Các di sản đã xuất lộ còn hứng chịu những tác động trực tiếp từ môi trường không khí, mưa, tác nhân hóa học, hoạt động của rêu, nấm mốc… như khu Hoàng thành Thăng Long hiện nay… "Hiện nay với điều kiện khí hậu thay đổi, trên các tường tháp của khu Thánh địa Mỹ Sơn đã phát triển nhiều loài địa y trắng ảnh hưởng nghiêm trọng đến bề mặt trang trí, chạm khắc. Mặt khác, do độ ẩm tăng cao nên các loài ký sinh như mối đất có điều kiện phát triển mạnh, rễ cây ăn sâu vào tường gạch di tích cũng sẽ ảnh hưởng đến sự bền vững của công trình", PGS. Tuấn dẫn chứng.

Khu di tích khảo cổ học Óc Eo thuộc vùng núi Sập, Ba Thê, Thoại Sơn, An Giang là di sản văn hóa của Vương quốc Phù Nam từ cách đây hơn 13 thế kỷ, được xây dựng bằng gỗ, gạch. Từ thế kỷ thứ 7, Phù Nam cũng đã bị nhấn chìm bởi nước biển lấn sâu vào đất liền cũng là một cảnh báo khi An Giang cũng đang có nguy cơ bị nước biển dâng và bị xâm nhập mặn nghiêm trọng.

Để các di sản thích ứng được với biến đổi  khí hậu, theo PGS. Vũ Văn Tuấn, cần tạo ra các vùng bảo vệ mới, mở rộng các vùng bảo vệ di sản hiện có, tạo ra bản sao của các vùng cần bảo vệ hiện có, giảm bớt áp lực môi trường trong khu vực, loại bỏ các loại sinh vật ngoại lai xâm nhập khu vực cần bảo vệ...

"Đối với các di sản văn hóa, mặc dù chúng ta có thể di chuyển chúng ra khỏi các vùng bị đe dọa như thế giới đã từng di chuyển tượng đài, vật thể kiến trúc bên bờ sông Nile, sông Dương Tử khi xây dựng đập nước... Tuy nhiên, khi bị di chyển, ý nghĩa của di sản giảm đi đáng kể nên cần cố gắng thực hiện các biện pháp tại chỗ", PGS. Vũ Văn Tuấn khuyến cáo.

Việc cần làm hiện nay là chúng ta cần sớm xác định hiện trạng di sản đồng thời đề ra khả năng giải quyết đối với từng loại di sản cho phù hợp.

 

Nguồn: monre.gov.vn