Di sản thế giới Mỹ Sơn: Đào tạo HDV di sản đạt chuẩn UNESCO

Cập nhật: 16/08/2011
Văn phòng UNESCO Hà Nội cho biết, hiện đang phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam và Ban Quản lí di tích và du lịch Mỹ Sơn tổ chức hai khóa đào tạo và cấp chứng chỉ HDV về di sản văn hóa đạt chuẩn UNESCO tại di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Các HDV đang nghe nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử Chămpa Trần Kỳ Phương thực hiện bài giảng tại di tích Mỹ Sơn

Đây là một trong những chuỗi hoạt động nhằm hỗ trợ triển khai thực hiện các vấn đề ưu tiên cao trong Chiến lược lồng ghép Du lịch - Văn hóa nhằm phát triển bền vững tỉnh Quảng Nam. Hai khóa đào tạo và cấp chứng chỉ diễn ra từ ngày 6 -10/8 và từ ngày 11–15/8.

Trước đó, vào tháng 11/2010, Văn phòng UNESCO Hà Nội cũng đã tổ chức thành công Khóa đào tạo và cấp chứng chỉ thí điểm tại DSVHTG Hội An. Rút kinh nghiệm từ chương trình thí điểm tại Hội An, năm nay, chương trình được mở rộng và biên soạn sâu hơn theo đặc thù của các điểm di sản Mỹ Sơn và Hội An. Bên cạnh mục tiêu ưu tiên đào tạo cho đội ngũ thuyết minh viên tại điểm, lần đầu tiên chương trình này mở rộng dành cho các HDV từ các đơn vị lữ hành và các HDV độc lập.

Theo ông Nguyễn Công Hường, Trưởng Ban Quản lí di tích và du lịch Mỹ Sơn, nếu HDV không thực hiện được vai trò của mình, di sản sẽ không còn là di sản nữa, mà chỉ là những khối đất đá vô hồn trong nhận thức của khách du lịch. Ngược lại, nếu HDV truyền tải được đúng giá trị và ý nghĩa của di sản, thì đó chính là một trong những đóng góp thiết thực và tích cực nhất vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị của một di sản đối với tất cả cộng đồng và khách tham quan.

Được thiết kế theo hình thức tăng cường với mô hình tập trung kéo dài 5 ngày liên tục, cấu trúc gồm các bài giảng lí thuyết, thực hành tại thực địa và phần thi sát hạch nói và viết, điểm nhấn của Chương trình này ngay từ ngày đầu tiên của khóa học là sự tham gia tích cực của chính các HDV độc lập và HDV từ các công ty lữ hành.

Hầu hết các học viên tham gia khóa đào tạo đều thừa nhận đây là một chương trình bài bản, cung cấp các thông tin chuẩn xác, chính thống với một khung chuẩn kiến thức và kỹ năng đã và đang được áp dụng rộng rãi tại nhiều điểm di sản thế giới tại các quốc gia khác trong khu vực, giúp cho các HDV dù đã nhiều năm kinh nghiệm, có một cách tiếp cận toàn diện hơn đối với việc hướng dẫn tại một điểm di sản.

Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với việc nâng cao nghiệp vụ cho HDV, mà còn góp phần giúp nâng cao chất lượng trải nghiệm cho du khách của mình và thông qua công việc đó, góp phần vào công tác bảo vệ di sản hay nói cách khác, cũng chính là bảo vệ tài nguyên du lịch.

Một điểm hấp dẫn khác của khóa đào tạo này đến từ chính đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm trong công tác đào tạo tại các trường đại học và cao đẳng chuyên ngành du lịch, đã hoàn thành xuất sắc các khóa đào tạo giảng viên của UNESCO.

Bên cạnh đó, còn có sự tham gia thuyết giảng sâu về chuyên môn trong các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, khảo cổ, bảo tồn và trùng tu di tích. Các học viên cũng có dịp học hỏi và trao đổi với kiến trúc sư Mara Landoni, chuyên gia của Viện Lerici, Trường Đại học Bách khoa Milan về các vấn đề kỹ thuật trong công tác tu bổ nhóm tháp G.

Đây cũng là nội dung nhằm hướng tới việc mở cửa nhóm tháp G cho du khách lần đầu tiên kể từ khi nhóm tháp này được chọn để thực hiện khảo cổ và trùng tu kể từ năm 2001 với mục tiêu tạo cơ hội tiếp cận cho công chúng đối với một di tích khảo cổ kiến trúc ngay trong quá trình tu bổ.

Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam, việc đào tạo được một đội ngũ HDV chuyên ngành di sản có chất lượng, đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng theo Chương trình UNESCO khởi xướng và đang hỗ trợ thực hiện ở khu vực châu Á - TBD có tính then chốt để đạt được mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch tỉnh nhà. Tiếp nối chương trình này, các khóa đào tạo HDV di sản dành cho các HDV tác nghiệp tại DSTG Hội An sẽ được tổ chức trong tháng 9.2011.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề nghị UNESCO hỗ trợ mở rộng chương trình đào tạo HDV tác nghiệp tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Ngành du lịch tỉnh Quảng Nam sẽ phát huy kết quả của chương trình bằng cách xây dựng và đưa ra một lộ trình với các quy định bắt buộc đối với các HDV đưa khách vào các điểm di sản thế giới và các cụm di tích văn hóa, quần thể du lịch thiên nhiên đặc biệt trên địa bàn tỉnh.

Khánh Chi

 

Nguồn: Báo Văn hóa