Thực hiện tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế cũng như môi trường. Thực tế này đã được chứng minh rõ tại nhiều nước trên thế giới như Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan… Gần với nước ta cũng có Thái Lan, Campuchia, Philippines, Singapore… Đang ra sức phát triển mạnh ngành năng lượng xanh. TP.HCM đã có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm hiện thực hóa việc ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất, sinh hoạt.
Để thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh, đã có nhiều chính sách được ban hành như Nghị định quy định về sử dụng năng lượng và tiết kiệm hiệu quả; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng và sử dụng hiệu quả… Riêng tại TP.HCM, để đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp như: Tổ chức kiểm toán năng lượng miễn phí cho cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; phối hợp với Văn phòng Tiết kiệm năng lượng - Bộ Công thương, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng của Nhật Bản tổ chức nhiều hội thảo về các giải pháp tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ 1.000.000 đồng cho mỗi bình nước nóng đối với người dân có nhu cầu mua và sử dụng bình nước nóng sử dụng năng lượng mặt trời; tổ chức các lớp đào tạo cán bộ quản lý năng lượng cho các doanh nghiệp, mở lớp đào tạo cán bộ tư vấn quản lý năng lượng.
Ngày 17-8, Sở Công Thương phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ, sản phẩm tiết kiệm năng lượng và năng lượng xanh. Đây là một trong số hoạt động nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng tới cộng đồng. Thông qua đó, khuyến khích cộng đồng, doanh nghiệp mạnh dạn ứng dụng trong sản xuất cũng như cuộc sống.
Theo ông Trần Anh Hào, Trưởng Phòng Quản lý năng lượng Sở Công Thương, tính đến thời điểm hiện tại đơn vị đã đào tạo cho hàng trăm cán bộ tư vấn quản lý năng lượng. Đội ngũ cán bộ này hiện không chỉ phục vụ cho TP.HCM mà còn cho cả các tỉnh lân cận có nhu cầu. Tuy vậy, phải thừa nhận, hiện việc sử dụng năng lượng tại các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế dù tiềm năng tiết kiệm năng lượng còn rất lớn.
Ông Trịnh Quang Dũng, Trưởng Phòng Công nghệ Điện mặt trời, Viện Vật lý TP.HCM nhấn mạnh, trở ngại lớn nhất để chính sách tiết kiệm và sử dụng năng lượng thực sự đi sâu vào cuộc sống đó chính là nhận thức. Với chủ doanh nghiệp dù biết thực hiện tiết kiệm năng lượng sẽ mang lại nguồn lợi lớn nhưng họ ngại thay đổi. Còn người dân thì có quá ít sự lựa chọn đối với sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Cho đến nay, Bộ Công Thương đã ứng dụng việc dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho sản phẩm trên nhưng số lượng sản phẩm được dán nhãn này chỉ mới đếm trên đầu ngón tay.
Nếu muốn chính sách tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng sạch đi vào cuộc sống thì các cơ quan chức năng phải là người tiên phong trong ứng dụng. Thống kê tại TP.HCM cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, công sở Nhà nước sử dụng năng lượng mặt trời hầu như không có. Chỉ có một số nhà dân, doanh nghiệp tư nhân mạnh dạn sử dụng hoặc bỏ vốn đầu tư công nghệ sản xuất thiết bị sử dụng điện năng lượng mặt trời. Ông Hào cho biết thêm, thời gian tới, Sở Công Thương TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động khác, nhằm đưa công tác quản lý Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng tốt hơn. Đó cũng chính là những động thái tích cực góp phần hoàn thành tốt việc triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng, thúc đẩy sự hưởng ứng của cộng đồng.