Khơi dậy tiềm năng du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 01/09/2011
Vấn đề phát triển du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long lâu nay vẫn được mang ra mổ xẻ nhưng rồi đâu lại vào đấy. Mạnh ai nấy làm. Vai trò điều hành của Nhà nước chưa rõ nét. Vấn đề bây giờ lại là phải làm cụ thể, chi tiết từ những việc nhỏ. Đó là một trong những ý kiến đề xuất tại buổi toạ đàm “Du lịch đồng bằng sông Cửu Long – khơi dậy tiềm năng”.

Ông Trần Đạt Duy, phó chủ tịch hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho rằng, quy hoạch du lịch ĐBSCL phải là của Nhà nước, không thể để các địa phương phát triển một cách tràn lan, để rồi sản phẩm du lịch của các địa phương cứ na ná nhau.

Tổ chức rời rạc

TS Nguyễn Tuấn Hoa, phó giám đốc trung tâm Học tập phát triển TP.HCM cho rằng, thực tế hiện nay, du lịch ở khu vực này còn thiếu tính chuyên nghiệp, nhàm chán, có dấu hiệu phai tàn, đi xuống. Lý giải về nhận định này, TS Hoa cho rằng du lịch ĐBSCL hiện tại khá nghèo nàn, lặp đi lặp lại với “đờn ca tài tử, ẩm thực sông nước miền Tây” làm chủ lực, không để lại ấn tượng. Giống như “xem múa rối” ở phía Bắc, “nhã nhạc cung đình nghiệp dư” ở Huế, “hô bài chòi” ở Khu Năm… Theo một khảo sát, lượng khách đến với ĐBSCL còn rất khiêm tốn, tỷ trọng lưu trú thấp, tỷ lệ quay lại càng thấp.

Theo ông Trịnh Công Lý, giám đốc trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Sóc Trăng, quy hoạch về phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có, nhưng quy hoạch của từng địa phương thì chưa. Cái hấp dẫn của từng tỉnh là có, nhưng từng địa phương chưa biết khai thác một cách đúng mức.

Nhiều hộ làm du lịch ở khu vực này vẫn phải tự bơi. Minh chứng cho việc này là một bà cụ không biết chữ, chủ một điểm du lịch miệt vườn ở ĐBSCL, đã mang đến buổi toạ đàm một xấp tờ rơi để quảng bá về điểm du lịch của gia đình mình. Hay trường hợp của ông Nguyễn Thanh Tùng, một nông dân làm du lịch tại An Giang, hiện đang triển khai dịch vụ tổ chức đám cưới cho người Khmer, tắm bùn cho du khách, ăn cơm cùng nông dân trên nhà bè… Với những dịch vụ của mình, ông Tùng cam kết, nếu mọi người đến với điểm du lịch của ông, ông chỉ lấy lời 1 USD/khách.

Hiệu quả thấp

Ông Trương Hoàng Phương, công ty VietMark nhận xét, sản phẩm du lịch ở ĐBSCL còn rất hạn chế. Tuy nhiên, chủ nhà vườn lãi 1 USD/khách là việc không thể chấp nhận được. Ông Phương cho biết giá dịch vụ du lịch ở ĐBSCL hiện rất rẻ rồi, không cần giảm giá nữa, mà phải tăng lên, đồng nghĩa với tăng chất lượng. “Hiện ở ĐBSCL môi trường đang bị huỷ diệt vì chính những công trình du lịch. Hãy giữ môi trường chung, hãy để cho người dân khai thác bằng chính những gì họ có. Như vậy mới là du lịch miệt vườn”, ông Phương nêu.

Theo nhận định của bà Bùi Hồng Hà, phó giám đốc sở Văn hoá – thể thao và du lịch An Giang, ở ĐBSCL ai cũng muốn du lịch phát triển, nhưng không ai biết phải đầu tư cho du lịch như thế nào? Chính vì thế mà vòng luẩn quẩn cứ quấn lấy ngành du lịch ĐBSCL. Với An Giang, mặc dù lợi thế của tỉnh này không nhiều, nhưng lễ hội Bà Chúa Xứ đã thu hút khá đông khách đến với tỉnh. Mỗi năm, lễ hội này đón khoảng 3,5 triệu lượt khách. Mặc dù lượng khách đông, nhưng bà Hà cho biết, doanh thu không cao, khách lưu trú chưa đến hai ngày. Doanh thu chưa tới 500.000 đồng/người. “Chúng tôi cũng rất đau đầu với việc lưu trú của khách, tuy nhiên không phải dễ, bởi ở lại cũng chẳng có gì để chơi. Cúng bà xong là khách về ngay”, bà Hà cho biết.

Theo bà Hà, An Giang đang cố gắng tạo ra những dịch vụ mới, hấp dẫn để giữ khách và phấn đấu đến năm 2015 sẽ giữ chân khách được hai ngày. Theo số liệu thống kê, mỗi khách đến ĐBSCL chỉ tiêu xài hơn 100.000 đồng!

Thương hiệu bị bỏ ngỏ

Tham gia ý kiến tại toạ đàm, ông Nguyễn Trọng Khoa, một người làm tư vấn du lịch ở miền Trung, quản lý trang web www.banhitlagai.com (chuyên về đặc sản Bình Định) cho rằng, việc xây dựng thương hiệu trên internet đang là vấn đề nan giải của ngành du lịch Việt Nam. Ông Khoa đưa ra câu hỏi: “Tại sao một cá nhân như tôi lại có hàng trăm tên miền liên quan đến du lịch Việt Nam, du lịch các địa phương? Đáng lý ra các tên miền, các địa chỉ web đó phải là của các đơn vị du lịch mới đúng chứ”.

Nói rằng mình là người tâm huyết với du lịch nước nhà, ông Khoa sẵn sàng tặng những tên miền này cho các địa phương để giúp phát triển thương hiệu của ngành du lịch. “Làm du lịch thì vai trò của internet rất quan trọng, nhưng hầu như rất ít doanh nghiệp cũng như địa phương chú ý”, ông Khoa nói.

Ngoài ra, ông Khoa cho rằng, ngành du lịch ĐBSCL cũng như cả nước đang phát triển theo kiểu dàn hàng ngang, không có chiến lược. Ông Khoa cảnh báo, việc xem nhẹ vai trò của internet trong quảng bá du lịch của nhiều địa phương, thậm chí cả cơ quan quản lý ngành, là đang đuổi khách từ xa. Theo ông Khoa, nhiều trang web sai lỗi chính tả quá nhiều, sử dụng tiếng Việt, tiếng Anh một cách lộn xộn. Điều này thể hiện sự cẩu thả của những người làm du lịch, trong khi internet thể hiện bộ mặt doanh nghiệp và ảnh hưởng đến quyết định đặt tour của khách rất nhiều.

 

Nguồn: SGTT