Từ nhiều năm nay, nạn đeo bám khách du lịch và ăn xin trên địa bàn huyện Sa Pa đã gây phiền hà không chỉ cho du khách mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một khu du lịch trọng điểm quốc gia. Du khách đặt chân đến Sa Pa ngán ngẩm trước sự quấy rầy của đội ngũ đeo bám đông đảo này.
Khắp các nẻo đường từ các bản có hoạt động du lịch cộng đồng đến trung tâm thị trấn Sa Pa, đâu cũng thấy nhiều người trong trang phục dân tộc, sau lưng đeo gùi và trên tay luôn cầm sẵn những chiếc dây đeo tay thổ cẩm, hoặc những chiếc vòng bạc.
Khi thấy có du khách, họ vây lấy và mời chào du khách. Nếu du khách tỏ ý không mua thì cả một nhóm người đi theo và mời chào liên hồi, hết người này đến người khác. Ngay tại cửa của những khách sạn lớn, nhỏ trong thị trấn Sa Pa luôn luôn có khoảng trên chục người “túc trực”.
Sở VHTTDL đang phối hợp với UBND huyện Sa Pa xây dựng kế hoạch để giải quyết dứt điểm tình trạng này, nhằm trả lại cảnh quan đô thị, môi trường du lịch cho khu vực. (Bà Hoàng Thị Vượng, Phó phòng nghiệp vụ Sở VHTTDL Lào Cai)
Cặp vợ chồng Jan và Denis, quốc tịch Úc bức xúc cho biết, ông bà đi bộ từ bản Tả Van (xã Tả Van) đến trung tâm thị trấn Sa Pa dài khoảng 7 km. Vừa ra khỏi bản, đã có bốn người đi theo mời chào mua các sản phẩm thổ cẩm và bạc.
Mặc dù ông bà đã ra hiệu là không mua nhưng những người này vẫn tiếp tục đi theo. Khi còn cách thị trấn chừng 2 km, khi đang dừng lại để chụp ảnh lưu niệm, thì một nhóm khác khoảng năm người tiếp tục cùng với những người đi theo từ trước tiếp tục mời chào.
Thấy đó không phải là những sản phẩm thủ công và không phải là bạc thật như họ quảng cáo, chúng tôi không mua và tiếp tục chụp ảnh. Trong lúc chụp ảnh, chúng tôi có mời những người bán hàng đứng cùng để chụp và họ đồng ý. Nhưng sau khi chụp xong thì họ đòi phải trả tiền vì đã chụp ảnh”, ông Denis nói.
Không chỉ có du khách nước ngoài bị làm phiền khi đến với Sa Pa, mà ngay cả với những du khách trong nước cũng rất bức xúc. Anh Trần Minh Tuấn (Hà Nội) cho biết, gia đình anh quyết định đến Sa Pa để tận hưởng không khí trong lành, giảm bớt căng thẳng sau những ngày làm việc vất vả. Nhưng sau khi đến đây thì lại gặp phải những chuyện bực mình.
Ở trong khách sạn thì không sao, cứ ra khỏi khách sạn là có gần chục người bám theo sau mời chào. Không mua nhưng họ vẫn đi theo mời chào liên hồi, gần như ép mua. Nhưng nếu mua của một người thì tất cả những người còn lại đều ùa vào. “Một khu du lịch nổi tiếng không chỉ trong nước mà lại để tình trạng đeo bám, chèo kéo khách thìrõ ràng làkhông hay, dễ gây mất thiện cảm đối với du khách”, anh Tuấn nói.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Vượng, Phó phòng nghiệp vụ Sở VHTTDL Lào Cai cho biết, nạn chèo kéo ăn xin tại khu du lịch Sa Pa đã có từ lâu. Hiện nay, Sở VHTTDL đang phối hợp với UBND huyện Sa Pa xây dựng kế hoạch để giải quyết dứt điểm tình trạng này, nhằm trả lại cảnh quan đô thị, môi trường du lịch cho khu vực.
Tuy nhiên, hầu hết những người bán hàng rong và ăn xin tại đây đều là những người dân sống ởgần đây, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nguồn thu nhập chính của họ là đi bán hàng rong. Nếu muốn giải quyết dứt điểm tình trạng này thì việc đầu tiên là cần có biện pháp để họ có nơi bán hàng ổn định.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để họ ý thức được việc bán hàng rong, đeo bám khách sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh du lịch của Sa Pa. Ngoài ra, cần tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình sản xuất hàng lưu niệm, thổ cẩm thủ công, qua đó nhằm giữ gìn bản sắc, bảo tồn nghề truyền thống thu hút du khách.
Tạ Đình Dũng