Sau 5 năm thành lập, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phát hiện xử lý tới 20.000 vụ vi phạm các quy định về môi trường, song chưa khởi tố được vụ nào.
Thông tin này được Đại tá Lương Minh Thảo, Cục phó cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cho biết tại hội thảo ngày 7/9 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Vụ Pháp luật ( Văn phòng Chính phủ) tổ chức nhằm rà soát Luật Bảo vệ Môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này.
Theo các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 ra đời đã tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ góp phần không nhỏ trong quản lý về hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thời gian ngày đây số vụ vi phạm về môi trường có chiều hướng tăng lên, một trong những nguyên nhân được cho là những hạn chế trong các quy định của Luật, chưa theo kịp những thay đổi kinh tế – xã hội hiện tại.
Đại tá Lương Minh Thảo cho biết, 5 năm qua, Cục đã phát hiện xử lý tới 20.000 vụ vi phạm các quy định về môi trường, nhưng trong số này chưa khởi tố được vụ nào, nguyên do là những quy định của Luật Bảo vệ Môi trường còn chung chung. Vụ Công ty Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải (Đồng Nai) là một ví dụ điển hình. Điều 92 của Luật quy định không cụ thể về căn cứ xác định khu vực bị ô nhiễm, dẫn tới cơ quan chức năng khó xác định lỗi, hoặc xác định không chính xác dẫn tới tìm cơ sở để truy tố đối tượng gặp khó khăn.
Theo TS Nguyễn Văn Phương, Đại học Luật Hà Nội, bất cập chính trong các văn bản luật về môi trường là chưa rõ ràng trong việc kết hợp một cách có hiệu quả giữa ba mặt của sự phát triển bền vững: kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Từ đó, chưa xem xét thoả đáng nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội, lợi ích môi trường, chưa nhìn nhận rõ, chính xác mối quan hệ giữa những quy định về bảo vệ môi trường và vấn đề bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
TS Nguyễn Văn Phương cũng nhận định, nhiều nội dung, tinh thần mới trong chính sách bảo vệ môi trường đã được đưa vào Luật Bảo vệ Môi trường nhưng còn nhiều quy định chưa được hướng dẫn thi hành nên chưa đi vào cuộc sống.