Tiếng thở dài từ những ngôi nhà cổ Thành Nam

Cập nhật: 15/09/2011
Thành phố Nam Định- đô thị lớn thứ ba ở miền Bắc vẫn còn lưu giữ cho mình những nét cổ kính - đó là những ngôi nhà cổ trên trăm năm tuổi, những địa chỉ du lịch hấp dẫn. Nhưng, cùng với thời gian, sự xuống cấp hay thay đổi cảnh quan của những ngôi nhà này, đều là điều hết sức đáng tiếc…

Không gian bức bối của di tích lịch sử - cách mạng nhà số 7, phố Bến Ngự-ảnh Ngọc Thành

Nhà cụ Tú Xương đang xuống cấp từng ngày!

Hơn mười năm, tôi mới trở lại thăm ngôi nhà cụ Tú ở 280 phố Minh Khai. Con phố mà cụ Tú từng sống, vốn ở trên đê, nhà cửa cái thụt ra, thụt vào, mà cụ Nguyễn Tuân từng ví von nó như “hàm răng khểnh của một cô gái không đẹp nhưng rất có duyên”…Phố vốn trước có tên Hàng Nâu. Ở phố ấy, xưa, người ta bán củ nâu. Sau lưng phố, sông Vị Hoàng vốn tấp nập trên bến dưới thuyền. Sông không còn, người ta bỏ mất tên phố Hàng Nâu, chỉ còn những vần thơ trong quá vãng của cụ Tú “Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”…. Ngôi nhà cụ nằm gần cuối phố, tôi hết sức ngạc nhiên, là cho đến giờ, như hơn mười năm trước, trước nhà không hề có một tấm biển lưu danh nhà thơ.

Nhà cụ Tú Xương (Ảnh: Hoàng Hà)

Ra mở cửa là người đàn ông tên Thành. So lúc trước tôi gặp, ông Trần Ngọc Thành có già hơn, nhưng nụ cười ấm áp thì vẫn vẹn nguyên. Ông Thành nhỏ nhẹ tiếp nước mời khách, rành rọt nói chuyện về cuộc đời cụ Tú. Ban đầu, năm 1900, cụ Tú ở ngôi nhà bên kia đường, số 247, về sau, ngôi nhà đó bị cầm cố, cụ về quê ở Lộc Hạ. Bố mẹ vợ đã cho cụ ngôi nhà này khi cụ đã 30 tuổi. Ngôi nhà này, cụ thân sinh ông Thành, đã mua lại từ năm 1953. Thời gian chiến tranh, hai lần thành phố đóng cửa đi sơ tán, nhưng ngôi nhà không hề bị hư hại . Trong nhiều năm qua, ông Thành lặng lẽ làm công việc của một “cụ từ” trông giữ nếp nhà xưa của cụ Tú một cách cần mẫn. Ông bảo, đơn giản, tôi giữ ngôi nhà này vì yêu mến cụ Tú, mong muốn là một địa chỉ văn hóa cho người yêu văn chương. Tại ngôi nhà này, nhiều nhà văn tên tuổi đã ghé qua: Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Thế Lữ, …; rồi những người yêu văn chương ở khắp mọi nơi…

Gian nhà nhỏ bé mà chúng tôi đang ngồi vốn trước là khu vườn. Còn ngôi nhà cổ nơi cụ Tú từng sống, làm bằng chất liệu gỗ, nằm ngay kế tiếp rộng chừng 25m2. Năm 2000, khi tôi ghé qua, ngôi nhà cụ Tú vẫn gần như nguyên vẹn, trừ cánh cửa đã thay một vài lần. Nhưng lần này khi tôi toan định trèo lên gác hai ngôi nhà, ông Thành xua tay “Không được đâu anh ơi, sàn nhà kém lắm rồi, tôi phải ốp thêm tấm nhựa….”. Nhìn bên ngoài, có thể nhận ra sự xuống cấp ngôi nhà. Những thanh gỗ nứt toác, ngói xô lệch…Nắng mưa thời gian, dù đã cố gắng, nhưng ai dám chắc, ông Thành còn sức giữ được ngôi nhà này?

Những cột dỗ bị nứt toác dễ nhận thấy ở nhà cụ Tú (Ảnh: Hoàng Hà)

Tôi chợt nhớ, năm 2000, nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh cụ Tú, ngành văn hóa Nam Định lúc bấy giờ đã có ý định mua lại nếp nhà của cụ để tôn tạo thành khu di tích. Thậm chí, người ta còn định tính mua tiếp ngôi nhà bên cạnh, quy hoạch cho bề thế, rồi mở một con đường chạy thẳng ra mộ cụ Tú Xương ở công viên Vị Xuyên. Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin (lúc đó là ông Trịnh Quang Khanh) tỏ ra rất quyết tâm nhưng còn băn khoăn không biết ý tứ các gia đình thế nào. Lúc đó, khi tôi ướm hỏi, ông Thành nói : “ Nếu nhà nước có chủ trương, chúng tôi sẵn lòng. Cũng là đóng góp một chút gì đấy cho quê hương….”. Có lẽ do vấn đề kinh phí mà mong muốn trên tới giờ này vẫn chưa thành hiện thực? Bây giờ, hơn mười năm sau, tôi hỏi lại ông Thành “ Trong những năm gần đây, đã có cấp ban ngành nào đặt lại vấn đề tôn tạo nhà cụ Tú không? Sao bác không kiến nghị với cấp thành phố và tỉnh ?” Ông Thành cười buồn “Có lẽ các bác ấy bận quá…” (?).

Nhà số 7 Bến Ngự : bao giờ cho đến ngày xưa…?

Cách nhà cụ Tú không xa, cũng là một ngôi nhà cổ- di tích lịch sử - cách mạng nhà số 7, phố Bến Ngự. Đây là nơi mà cụ Tam nguyên Vị Xuyên Trần Bích San (1840-1877) - một chí sĩ yêu nước, danh nhân văn học ở thế kỷ 19- lớn lên và trưởng thành. Ngôi nhà này được xây dựng từ năm Kỷ Dậu (1840) do cụ Nhì Lâm, ông nội Trần Bích San xây. Năm 1926, đây là địa điểm liên lạc đưa thanh niên yêu nước Việt Nam sang Quảng Châu dự các lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyến Ái Quốc tổ chức. Ngôi nhà gồm từ đường và một số căn nhà phụ cận, vẫn giữ được nét cổ kính và là ngôi nhà cổ nhất Thành Nam. Từ đường rộng năm gian, tường xây bằng gạch thất, mái lợp ngói nam, các cột, câu đầu, xà, lá mái….đều bằng gỗ lim chắc chắn. Trên bệ thờ giữa từ đường, có đề tên chức tước của dòng họ Trần Bích San. Do những giá trị và ý nghĩa lịch sử của ngôi nhà mà năm 1991, Bộ Văn hóa đã có quyết định xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa quốc gia.

Tham quan ngôi nhà, chúng tôi thấy thoáng nét buồn của thành viên gia đình ông Trần Mậu Bách - hậu duệ Tam nguyên Trần Bích San. Ngày trước, di tích vốn khá rộng rãi, với khu vực 1 (từ đường và các công trình) là 178 m2 và khu vực 2 ( khuôn viên) tới hơn 400 m2. Trước ngôi nhà là một khu vườn cây trái xum xuê với nhiều loài hoa: cúc, lay ơn….và hai cây bạch mai. Dưới gốc cây tùng có tấm bia mộ nói về công trạng của Trần Bích San. Năm 1989, mấy người em cùng cha khác mẹ với gia đình ông Trần Mậu Bách từ Hà Nội về thực hiện quyền thừa kế tài sản. Phần khuôn viên được chia cho gia đình ông Trần Tú Dương. Chính vì vậy, năm 2004, cơ quan chức năng đã có quyết định điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích.

Vậy là, một bức tường chắn ngang trước từ đường mọc lên. Khoảng năm 2004, chủ nhân mảnh đất bên kia bức tường đã bán cho chủ khác, và giờ nó đã trở thành bãi trông xe! Khi đến thăm di tích số 7 Bến Ngự, chúng tôi không khỏi tiếc nuối cho di tích này. Nếu như chính quyền quan tâm hơn, xúc tiến mua lại mảnh đất bên cạnh để di tích được giữ như vẻ đẹp vốn có trước đó của nó thì hay biết bao.

Ngành Du lịch Nam Định đang cố gắng tìm cách thu hút khách, nếu biết quan tâm đầu tư và phát huy giá trị các ngôi nhà cổ như hai ví dụ vừa nêu thì việc hình thành các tour tham quan nhà cổ Thành Nam sẽ rất hữu hiệu.

Hoàng Hà

 

 

Nguồn: Báo Du lịch