Để môi trường du lịch Hà Nội xanh – sạch – đẹp: Thực hiện những giải pháp đồng bộ (kỳ 2)

Cập nhật: 16/09/2011
Để bảo vệ môi trường du lịch Hà Nội xanh, sạch, đẹp, nhiều giải pháp đã được các cơ quan hữu quan đưa ra nhằm tạo chuyển biến tích cực.

Sinh viên tình nguyện dọn rác bên con đường gốm sứ ven sông Hồng

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân Thủ đô

Ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng tổ chức Lao động, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2011, công ty đã triển khai nhiều biện pháp về tăng cường vệ sinh môi trường như thu rác ngày bằng thùng 240 lít, thu rác bằng xe cơ giới, quét hút, rửa đường, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường, tiến hành phân loại rác tại gia đình, triển khai phong trào phụ nữ và nhân dân thủ đô không đổ rác ra đường... Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục tăng cường công tác giữ gìn vệ sinh môi trường thành phố, tăng cường thêm lao động, phương tiện bảo đảm vệ sinh trên các tuyến phố chính và các khu vực công cộng, tăng cường rửa hè, rửa đường 2 lần/tuần; triển khai lắp đặt thêm nhiều thùng thu, chứa rác để thuận lợi cho người dân bỏ rác… nói chung sẽ tốt.

Sinh viên tình nguyện quét rác trong Vườn hoa Lý Tự Trọng

Để chấn chỉnh tình trạng chở, đổ đất phế thải gây ô nhiễm môi trường, đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, Thanh tra Sở đã xây dựng phương án số 290/PA-TTGT ngày 7/4/2011 nhằm tăng cường kiểm tra, xử lý, giám sát các phương tiện chở vật liệu xây dựng rời, bê tông thương phẩm, đất phế thải xây dựng… Đồng thời, tiền hành kiểm tra xử lý các công trình xây dựng lớn tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố; làm việc với các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hàng hóa, VLXD… đã đạt được những kết quả khả quan trong vấn đề vệ sinh môi trường Thành phố như hạn chế bụi bẩn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Thời gian tới, Thanh tra Sở tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra và xử lý các vi phạm.

Để bảo vệ môi trường vệ sinh tại các di tích, sông hồ Hà Nội, có sự vào cuộc tích cực của Thành đoàn Hà Nội. Bà Lê Thị Kim Huệ, Phó trưởng ban Thanh niên đô thị và công tác ANQP (Thành đoàn HN) cho biết, tuổi trẻ Thủ đô luôn tích cực tham gia vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch, di tích lịch sử, công viên, sông hồ… Triển khai vệ sinh môi trường tại Con đường gốm sứ; Chùa Một Cột, Văn Miếu Quốc Tử Giám… vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất là việc tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của thanh thiếu niên, các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia bảo vệ môi trường thành phố, đặc biệt tại các điểm du lịch, di tích lịch sử. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp với các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường, các phường, xã, thị trấn… để bảo vệ môi trường Hà Nội thực sự xanh, sạch, đẹp.

Xây dựng thêm nhiều bãi rác, nhà máy xử lý rác thải

UBND Thành phố đã quy hoạch các dự án về xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2030. Trong đó, chú trọng xây thêm các bãi rác thải và các nhà máy xử lý rác thải. Cụ thể, UBND TP. Hà Nội đã quyết định đầu tư 54 tỷ đồng xây dựng 4 bãi chứa rác thải tại các huyện Mê Linh, Đông Anh, Thanh Trì và Gia Lâm. Xây dựng bãi rác thải diện tích 3,2ha với công suất 300 tấn/ngày, tại xã Dục Tú, huyện Đông Anh. Xây dựng bãi chứa rác thải với diện tích 4,25ha với công suất 300 tấn/ngày, tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Xây dựng bãi rác thải với diện tích 7ha với công suất 400 tấn/ngày, tại xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì. Xây dựng bãi rác thải với diện tích 7ha với công suất 400 tấn/ngày, tại xã Phú Thị - Kim Sơn, huyện Gia Lâm. Cùng với bãi rác Nam Sơn, Xuân Sơn, việc xây dựng các bãi rác thải mới này nhằm giải quyết bài toán rác thải tại các khu vực gần các bãi rác sắp xây dựng, tránh sự quá tải tại các bãi rác như hiện nay. Đồng thời, hạn chế tình trạng đổ trộm, đổ bừa bãi phế thải xây dựng làm ảnh hưởng đến cảnh quan và vệ sinh môi trường Thành phố. Cùng với đó, thành phố cũng tiếp tục triển khai các dự án mở rộng khu xử lý rác thải Xuân Sơn, Nam Sơn, xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại Sóc Sơn, dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại huyện Mỹ Đức và một số dự án xã hội hóa khác đang được triển khai.

Đặc biệt, tiếp tục triển khai hoàn thành xử lý ô nhiễm tại 7 hồ nội thành và mở rộng ra 18 hồ đã được kè bờ, kêu gọi doanh nghiệp tham gia cải tạo 45 hồ trên địa bàn; xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch; xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai đề án sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2015; Tiếp tục triển khai các dự án xử lý nước thải y tế có 12 đơn vị thuộc Sở Y tế quản lý.

Ngoài vấn đề đầu tư xây dựng các bãi rác, nhà máy xử lý rác, Hà Nội cũng kiên quyết tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm, kiên quyết xử lý các cơ sở, cá nhân cố tình vi phạm; tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường với 2 cán bộ chuyên trách trở lên tại mỗi quận, huyện, thị xã; nâng cao chất lượng môi trường với nhiều tiêu chí cụ thể như 100% rác thải được thu gom và xử lý trong ngày; 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn…

Với những giải pháp đồng bộ trên cùng với sự tích cực của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đặc biệt ý thức người dân trong vấn đề bảo vệ môi trường Thủ đô, hy vọng thời gian tới môi trường Hà Nội thực sự xanh, sạch, đẹp, để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội tham quan du lịch.

Ông Lê Trung Dũng cho biết, để tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường, ngày 13/4/2011, PCT UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu thành lập đội thanh tra môi trường, mặc sắc phục như Thanh tra Xây dựng để xử lý cá nhân, tập thể vi phạm quy định về quản lý chất thải rắn theo quyết định 11/2010/QĐ-UBND ngày 23/2/2010.

Bài và ảnh: Mạnh Hải

 

Nguồn: Báo Du lịch