Cái bang, thày bói níu chân du khách

Cập nhật: 20/09/2011
Châu Thới Sơn Tự là ngôi chùa cổ kính nằm trên một ngọn núi cao khoảng hơn 80m (thuộc xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương) mỗi năm đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, phúng viếng. Nhưng thời gian qua, ngôi chùa này bị các đội quân hành nghề mê tín dị đoan, cái bang, bán nhang dạo, vé số… bủa vây khiến vẻ linh thiêng, tĩnh lặng nơi cửa Phật không còn nữa. Trong khi đó, Ban quản lý chùa thì “bó tay”.

Ăn xin án giữ đường lên chùa

Những bức xúc

Được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, Châu Thới Sơn Tự nằm trên một ngọn núi cao. Dưới chân núi là hồ nước trong xanh. Đứng trên chùa nhìn xuống cho ta có cảm giác yên bình.

Tuy nhiên, trong một thời gian dài ngôi chùa này đã và đang bị bủa vây bởi đội quân ăn xin. Khách vừa đặt chân tới chân núi là đội quân này năn nỉ, xin xỏ, trong số họ đa số là những người còn khỏe mạnh. Nếu được cho thì họ sẽ để cho đi, nếu không sẽ bị kèo néo, thậm chí còn bị chửi với những câu đầy ác ý.

Cứ tưởng cái bang chỉ ngồi đón ngay ở cổng chùa, nào ngờ lên chưa được 10m lại thấy họ nằm, ngồi vật vã trên các tảng đá dọc đường đi, tỏ vẻ rất khổ sở, đau đớn. Nhưng chỉ cần nghe thấy có tiếng người tới gần là ngay lập tức các đối tượng này giơ ngay nón ra chặn đường đi của khách để xin tiền, trong khi mặt vẫn nằm úp xuống tảng đá rên rỉ. Chị Nguyễn Thị Hương, một du khách cho biết: “Tôi hay lên chùa thắp hương cầu cho gia đình được bình an, nhưng mỗi lần đến đây tôi rất ngán ngẩm vì bị làm phiền bởi đội quân ăn xin, bói toán. Không những vậy, lên chùa còn bị những người bán nhang, vé số chạy theo lôi kéo, làm tôi rất khó chịu”.

Ngay lư hương dành cho khách đi đường thắp hương ở giữa lưng chừng núi cũng có một người án giữ rất cẩn thận. Mỗi khi có khách đi qua, lại mời thắp hương và cũng không quên chìa tay ra xin tiền: “Làm ơn, làm phước cứu giúp cụ. Bồ tát sẽ phù hộ”…

Thầy đang xem bói cho du khách

Suốt đoạn đường từ chân núi còn đến đỉnh núi có tới 7-8 thầy bói, thầy nào cũng còn rất trẻ. Theo các thầy thì “thần linh đã lựa chọn họ”. Nhiều khách tò mò muốn xem vận mệnh của mình ra sao nên nhờ thầy xem giúp. Thầy không ra giá trước, “tùy lòng hảo tâm của thí chủ, thần linh sẽ phù hộ cho”. Tuy nhiên, khi xem xong, trả 10.000 đồng thì thầy nhanh miệng nói, “ít cũng phải 20.000 đồng em ạ. Chứ 10.000 đồng sao được”.

Giá xe “hữu nghị”

Khách tới thăm Châu Thới Sơn Tự không chỉ chịu cảnh bị lôi kéo, chửi bới mà còn bị bóp chẹt bởi một số nhà giữ xe dưới chân núi, với giá mà các chủ nhà giữ xe gọi là “hữu nghị”.

Vào các ngày lễ, lượng khách tới chùa là rất đông, vì thế các nhà giữ xe cũng nhân cơ hội đó mà tăng giá giữ xe cao gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.

Tới chân núi đang loay hoay tìm chỗ gửi xe, vì thấy nhà xe nào cũng chật kín thì có một người đàn ông chạy ra nói: “Em dắt xe vào đây mà gửi, đang còn chỗ trống đó. Em yên tâm đi, anh lấy giá hữu nghị, không lấy đắt đâu mà em phải lo”. Vì không tìm được chỗ nào gửi nên chúng tôi dắt xe vào. Nhưng khi về, lấy xe, cứ nghĩ chắc cũng chỉ 5.000 đồng/chiếc nên chúng tôi đưa 15.000 đồng/3 chiếc thì người trông xe kêu thiếu. “Phải đưa thêm 15.000 đồng nữa mới đủ. Lấy như vậy là giá hữu nghị lắm rồi. Thời bây giờ ai còn giữ xe 5.000 đồng nữa”. Chúng tôi chỉ biết… đưa thêm tiền.

Nhiều khách cho biết, nhiều nhà gửi xe lấy đến 15.000 đồng/xe. Lỡ gửi rồi đành phải chịu, chỉ biết ngậm ngùi: Xem như làm công đức.

Trước vấn nạn đó, nhiều người đã chọn giải pháp là chạy thẳng xe lên chùa, cũng là để tránh bị quấy rầy bởi ăn xin, bói toán. Tuy nhiên, khi lên chùa chỗ để xe lại không có, dẫn tới rất lộn xộn. Trong khuôn viên chùa, xe máy, ô tô vẫn nổ máy chạy vào như nơi không người. Cùng với đó là đoàn quân bán vé số, bán nhang dạo, nước giải khát, chụp ảnh… mời mọc, chèo kéo… biến ngôi chùa như nơi họp chợ.

Châu Thới Sơn Tự là ngôi chùa cổ kính, được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia nhưng đang phải gánh chịu những cảnh “đau khổ” của đội quân ăn bám, ăn xin… Không biết khách tới tham quan sẽ còn phải chịu đựng cảnh như vậy trong bao lâu nữa?

Theo ông Đào Văn Tiến, phụ trách xây dựng – bảo vệ Châu Thới Sơn Tự thì từ những năm 1995 - 1997, số người ăn xin, hành nghề mê tín dị đoan, bán nhang, bán vé số dạo tại đây đã rất đông. Vào những ngày rằm, ngày lễ còn đông hơn gấp nhiều lần. Tuy chính quyền địa phương đã có một số biện pháp giải quyết tình trạng này nhưng sau một thời gian vấn nạn này lại tái diễn gây rất nhiều khó khăn cho Ban quản lý chùa cũng như chính quyền. Những người hành nghề ăn xin, bói toán, bán nhang, nước, vé số… dạo ở chùa Châu Thới chủ yếu là dân tỉnh lẻ từ nhiều nơi đến. Phần đông có hoàn cảnh khó khăn. Có nhiều người vờ đau ốm, bệnh tật để cầu mong sự thương hại của khách đến chùa. Đặc biệt là vào các ngày rằm, lễ, tết, đội quân này trở nên đông bất thường và có nhiều “chiêu” mới hơn…

Nguyễn Lê

 

Nguồn: Báo Du lịch