Thủ đô Hà Nội là nơi có mật độ dân số đông, hơn thế nữa vào dịp lễ, Tết, lượng du khách về Thành phố rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu, Thành phố đã đầu tư, xây dựng, hệ thống nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) nhưng đến nay vẫn còn không ít bất cập. Bên cạnh đó, ý thức người dân còn kém, phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới hình ảnh chung của Du lịch Thủ đô.
Bán hàng ngay trước NVSCC trên phố Yết Kiêu
Nhếch nhác và ô nhiễm
Trong dịp lễ vừa qua, chúng tôi làm một cuộc khảo sát thực tế về NVSCC trên địa bàn Thủ đô và dễ dàng nhận thấy, tại các điểm du lịch, các tuyến đường, công viên, vườn hoa ở Hà Nội không khó để tìm các NVSCC, bởi thời gian qua, TP Hà Nội đã quan tâm đầu tư xây dựng nhiều NVSCC mới. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều NVSCC đang trong tình trạng ô nhiễm nặng và bị chiếm dụng làm điểm kinh doanh, bán hàng.
Trong khi NVSCC ở các điểm du lịch, di tích, danh thắng như tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, chùa Trấn Quốc, Nhà hát múa rối Thăng Long… do có sự quan tâm, quản lý rất sạch sẽ, thì ngược lại hệ thống NVSCC đặt tại các vườn hoa, công viên nhưng lại rất mất vệ sinh bởi ở những nơi này phải phục vụ đa dạng đối tượng khách nên khó quản lý. Ngay tại Hồ Gươm, NVSCC đặt tại đường Đinh Tiên Hoàng, mặt trước bị chiếm dụng làm nơi bán hàng ăn, nước giải khát, bên trong thì chậu rửa mặt cáu bẩn, thiếu xà phòng và nước sạch rửa tay. NVSCC đặt trên đường Trần Quang Khải chất lượng vệ sinh thấp, giấy bẩn vứt tràn lan, không có nước xả. NVSCC gần khu vực bến xe Long Biên, cạnh con đường gốm sứ từ lâu đã rơi vào cảnh “bỏ hoang” do không có điện nên khách không vào. Không chỉ bị ô nhiễm do công tác vệ sinh kém, các NVSCC còn trong tình trạng bị chiếm dụng để bán hàng nước giải khát như NVSCC tại Công viên Ngọc Lâm (Gia Lâm), NVSCC trên đường Yết Kiêu gần Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, NVSCC trên đường Lý Thái Tổ gần hồ Hoàn Kiếm…Theo bà Nguyễn Thị Lan, du khách đến tham quan Hà Nội cho biết, bây giờ không khó để tìm kiếm NVSCC tại Hà Nội nhưng tình trạng bán hàng, chất lượng vệ sinh tại các NVSCC rất khó có thể chấp nhận.
Tại các công viên vườn hoa, nhiều nhà vệ sinh được quan tâm, nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt tiêu chuẩn bởi chưa được thường xuyên được lau rửa, tình trạng chật chội khiến du khách phải xếp hàng đi vệ sinh vẫn còn tồn tại, xà phòng rửa tay tại các NVSCC này hầu hết là không có.
Bên cạnh đó, nhiều NVSCC tại các bến xe, bến tàu, ga tại Hà Nội vẫn còn bẩn và bốc mùi hôi thối. Theo lý giải của đại diện các bến xe, do là nơi công cộng đông người, ý thức người sử dụng kém, nên tình trạng lộn xộn, mất vệ sinh vẫn diễn ra. Mặc dù nhân viên bến xe đã lau rửa thường xuyên nhưng vẫn không tránh được sự nhếch nhác.
Vừa thiếu ý thức, vừa thiếu NVSCC
Công bằng mà nói, nguyên nhân dẫn đến hệ thống NVSCC tại Hà Nội nhếch nhác và ô nhiễm như hiện nay là do ý thức người dân còn quá kém. Ngay tại con đường gốm sứ, một điểm văn hóa du lịch của Hà Nội, không khó để bắt gặp cảnh người dân “hiên ngang” giải quyết “nỗi buồn” khiến con đường vốn được coi là văn hóa này vô hình chung trở thành một “NVSCC lộ thiên”. Điều đáng nói, bên cạnh con đường gốm sứ này, các cơ quan chức năng đã đặt tới 4 NVSCC nhưng một số NVSCC nơi đây luôn trong tình trạng vắng khách. Chị Nguyễn Tuyết Thanh, Xí nghiệp môi trường số 1, Công ty Môi trường Hà Nội cho biết, NVSCC này mỗi ngày chỉ có 2 đến 3 khách. NVSCC có nhưng người dân không vào “vì ngại” mà “tiện” xả luôn ngay cạnh khu vực con đường gốm sứ. NVSCC ngã 3 Yết Kiêu – Trần Hưng Đạo gần Cung Văn hóa Hữu Nghị cũng trong tình trạng tương tự. Người dân thản nhiên đi vệ sinh ngay dưới biển báo môi trường Hà Nội trong khi cách đó không xa, NVSCC lại bị chiếm dụng làm nơi bán nước, người muốn đi vệ sinh cũng không có lối. Bên cạnh đó, ý thức của người dân khi sử dụng NVSCC nhưng không dội nước, vứt xả giấy lung tung đã góp phần không nhỏ để hệ thống NVSCC thêm bẩn và mất vệ sinh.
Khách đi vệ sinh trên con đường gốm sứ
Tình trạng thiếu NVSCC diễn ra ở nhiều nơi. Tại khu vực phố cổ Hà Nội, nơi tập trung rất nhiều khách du lịch và dân cư sinh sống nhưng số lượng NVSCC chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều khi cần giải quyết “nỗi buồn”, du khách tìm đỏ mắt mà cũng không thấy. Đặc biệt là du khách nước ngoài, khi muốn “chút bầu tâm sự” họ chỉ còn cách tìm khách sạn, nhà nghỉ gần đó để “đi nhờ” bởi hầu hết trên các tuyến phố cổ đều không có NVSCC. Tại khu vực vườn hoa đường Thanh Niên chỉ có duy nhất một NVSCC, lại bị lấn chiếm làm quán bán nước dẫn đến tình trạng ai có nhu cầu phải đi “lộ thiên” tại khu vực đối diện, bên bậc thang dẫn xuống hồ Trúc Bạch, khiến nơi đây bốc mùi hôi thối rất nồng nặc. Đó là một thực trạng đáng buồn. Bên cạnh đó, hầu hết các NVSCC đều không có biển chỉ dẫn khiến du khách nước ngoài rất khó để nhận biết.
Chuyện nhỏ nhưng lại không nhỏ
Chuyện NVSCC tưởng như rất nhỏ nhưng trên thực tế lại không hề nhỏ, đặc biệt với hình ảnh của ngành Du lịch. Bởi với khách du lịch, họ luôn quan tâm đến chất lượng vệ sinh tại điểm đến. Nếu NVSCC nhếch nhác, vô hình chung đã ảnh hưởng đến chất lượng của điểm đến đó và ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh du lịch của Việt Nam. Anh Michael, du khách đến từ Singapore cho biết: “Đến đất nước các bạn, tôi rất thích nền văn hóa đa dạng các dân tộc, vùng miền, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng và rất đẹp, tuy nhiên chất lượng NVSCC chưa đạt tiêu chuẩn, nên rất dễ gây cảm giác không thỏa mái”. Thực tế, ở các nước quanh ta như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản..., vấn đề NVSCC luôn được quan tâm hàng đầu. Pháp luật những nước này đã ban hành nhiều mức xử phạt với người vi phạm VSCC. Ngẫm người lại nghĩ đến ta, chuyện NVSCC vốn được xem trọng ở nước ngoài thì lại là chuyện nhỏ ở nước ta. Đã đến lúc cần sự vào cuộc nghiêm túc của các ngành, các cấp về vấn đề “không nhỏ’ này.
Bài và ảnh: Mạnh Ninh
Mời các bạn đón đọc kỳ 2: Giải pháp để phát huy vai trò nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội?