Qua thực tế cho thấy, để Hà Nội thực sự là điểm đến hấp dẫn đối với du khách gần xa, vấn đề nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) không thể xem là chuyện nhỏ. Vì thế, các cơ quan hữu quan tại TP. Hà Nội đã và sẽ có nhiều giải pháp với hy vọng sẽ làm NVSCC ở Hà Nội thực sự hữu ích và văn minh.
Lập nhiều nhà VSCC đẹp thuận tiện tại các điểm Du lịch
Cần sự quy hoạch, phối hợp và quản lý hợp lý
Trong dịp Đại lễ năm 2010, TP. Hà Nội đã lắp đặt 17 nhà VSCC tại các điểm du lịch, khu dân cư, tuy nhiên việc quy hoạch và lắp đặt NVSCC vẫn chưa thật sự hợp lý, có nơi thừa, nơi lại thiếu trầm trọng như khu vực phố cổ Hà Nội. Lý giải về điều này, ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng tổ chức Lao động, công ty TNHH Nhà nước một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cho rằng, sở dĩ ở khu vực phố cổ Hà Nội lượng NVSCC ít do không có chỗ để lắp đặt, thậm chí có NVSCC ở phố cổ nằm sát nhà dân do không có quỹ đất. Ông Dũng kiến nghị, Thành phố nên nghiên cứu để xây lắp thêm các NVSCC lưu động bằng khung thép tại khu vực phố cổ, điểm du lịch đông du khách tránh để tình trạng du khách phải đi rất xa mới tìm được NVS như hiện nay.
Xét trên tổng thể số lượng NVSCC trên địa bàn Hà Nội, vẫn còn không ít những bất cập. Nếu ở nước ngoài, tại các Trung tâm Thương mại đều có NVS thì ở nước ta vấn đề này vẫn chưa được coi trọng. Nên chăng, Hà Nội cần tiếp tục khảo sát nghiên cứu và lắp đặt thêm một số NVSCC tại các điểm vui chơi, giải trí và nơi công cộng tập trung đông người như công viên, rạp hát, điểm dừng, đỗ xe, các Trung tâm thương mại như siêu thị hay dọc các tuyến đường du lịch. Tuy nhiên, khi lắp đặt phải tùy vào vị trí để NVSCC phù hợp với kiến trúc xung quanh. Tại các NVSCC nên đặt các hộp, thùng để khách tự giác bỏ tiền khi đi vệ sinh để có kinh phí dọn dẹp, lau chùi NVSCC hàng ngày và lắp đặt các biển báo chỉ dẫn NVSCC.
Để NVSCC có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người dân và du khách, ông Lê Trung Dũng cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các ban ngành như Tài nguyên và Môi trường, VHTTDL và Công an… Vấn đề NVSCC không chỉ là mối quan tâm của riêng ngành Du lịch mà cần có sự tham gia từ phía các cấp chính quyền địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp và người dân. Cần xây dựng NVSCC đạt tiêu chuẩn du lịch và làm sạch nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch tại Hà Nội. Cùng đó, các cấp các ngành nên tăng cường trách nhiệm của các đội tự quản,xây dựng cơ chế trong việc kiểm tra xử lý các vi phạm liên quan đến NVSCC. Ông Lê Trung Dũng cho biết, hiện nay Thành phố đã có chế tài xử phạt phóng uế bừa bãi, làm mất vệ sinh công cộng nhưng không ai xử lý nên đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến NVSCC luôn nhếch nhác. Nếu nhìn sang các nước bạn, có thể dễ dàng nhận thấy, họ làm rất tốt bởi họ có Luật NVS, nếu vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, còn ở Việt Nam, chế tài hầu như không được áp dụng với những lỗi vi phạm này. Đó là vấn đề đáng buồn, nhất là khi ý thức của người dân còn rất kém.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân
Bà Lê Thị Kim Huệ, Phó trưởng ban Thanh niên đô thị và công tác ANQP (Thành đoàn HN) cho biết, ý thức người dân còn quá kém, ngay tại con đường gốm sứ, khu vực Long Biên đã lắp đặt 4 NVSCC nhưng người dân không đi mà đứng ngay bên ngoài để đại, tiểu tiện, dọn đằng trước họ bày đằng sau rất phản cảm. Cần thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân tại các khu dân cư, nhát là ở các điểm du lịch,khu di tích,danh thắng,kèm theo đó là chế tài xử phạt nghiêm với hành vi phóng uế bừa bãi, dần hình thành thói quen sử dụng NVSCC một cách văn minh.
Về vấn đề bán hàng tại các NVSCC, ông Lê Trung Dũng cho rằng, đó là điều phản cảm không thể chấp nhận được do mất vệ sinh, đặc biệt dưới con mắt du khách nước ngoài. Công ty Môi trường đô thị luôn nhắc nhở cấm người công nhân bán hàng tại NVSCC, tuy nhiên NVS hiện nay có rất nhiều Công ty tham gia nên rất khó. Giải pháp tốt nhất là nên tách NVSCC và nơi bán hàng riêng biệt. Cùng đó, các cơ quan chức năng cần ngăn chặn tình trạng này và phải có chế tài xử lý, trách nhiệm chính là Sở Xây dựng, Thanh tra y tế và chính quyền địa phương nơi lắp đặt NVSCC, đồng thời giáo dục tuyên truyền ý thức cho người dân.
Qua thực tế, Ông Đặng Kim Ngọc - Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho rằng: “Việc xây dựng nhà VSCC ở các điểm du lịch là hết sức cần thiết. TP. Hà Nội nên xã hội hóa để tránh tình trạng một số NVS xuống cấp như hiện nay. Và nếu có thể được, TP. Hà Nội nên bỏ ra một khoản kinh phí duy trì hoạt động của các NVSCC thay vì thu phí như hiện nay, nếu thu nhiều tiền phí thì người dân không vào mà thu ít thì không đủ chi phí duy trì. Cùng với đó, ngành Du lịch Hà Nội lên quy hoạch chú thích các điểm NVSCC trên bản đồ du lịch Thành phố và các Trạm thông tin du lịch để du khách quốc tế dễ dàng nhận biết”.
Hy vọng, với những giải pháp đồng bộ trên, nếu được thực hiện tốt, NVSCC Hà Nội sẽ không còn là nỗi ám ảnh với du khách, và hơn thế nữa, hình ảnh du lịch Hà Nội sẽ đẹp hơn trong mắt du khách trong và ngoài nước.
Bài và ảnh: Mạnh Ninh