Mùa nước nổi, sông càng mênh mông. Mưa già làm cho núi rừng trở nên xanh thẳm. Vùng tứ giác hiền hòa cũng bắt đầu trỗi lên những giai điệu ngất ngây mang âm hưởng của hương đồng, cỏ nội.
Đó là những bản hợp tấu về sắc màu, từ màu bông điên điển vàng, đến những đám rau thủy sinh non xanh như ngọc bích, hay đám sen, súng ửng hồng mặt nước…
Mùa nước nổi, cảnh vật ở An Giang như khoác lên chiếc áo mùa thu mong manh và mang nét đẹp hoang sơ làm nao lòng du khách. Thi thoảng trên đường đi, xen với những thửa ruộng xanh tươi bát ngát, họ bắt gặp những cánh đồng mênh mông nước, trải dài đến tận chân trời. Vẻ sống động của sinh hoạt ngày mùa với hình ảnh người nông dân chăm sóc lúa trên đồng, với nét suy tư, trầm mặc của những rặng cây ngập nước chơ vơ trên các triền đê đã mang đến cho họ nhiều cung bậc cảm xúc!
Hầu hết du khách đều có chuyến đi ẩn chứa nhiều điều bất ngờ, lý thú khi tham gia các tour du lịch mùa nước nổi tại An Giang. Du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi hòa mình vào một không gian mới mẻ, đầy sức cuốn hút với vẻ đẹp của thiên nhiên đến những nét văn hóa độc đáo trong cộng đồng cư dân vốn hiền hòa, mến khách.
Đặc trưng thứ nhất của du lịch An Giang là ưu thế về địa hình, góp phần tạo nên những dãy núi kỳ vĩ nằm chắn ở phía Tây và dòng Mê Kông phóng khoáng ở hướng đông mang nguồn nước mát từ thượng nguồn Campuchia đổ xuôi ra biển. Chen ở giữa là một vùng tứ giác rộng lớn được khai thác cho nông nghiệp, du lịch với những nét đặc trưng rất riêng biệt. Mùa nước nổi, sông càng mênh mông. Mưa già làm cho núi rừng trở nên xanh thẳm. Vùng tứ giác hiền hòa cũng bắt đầu trỗi lên những giai điệu ngất ngây mang âm hưởng của hương đồng, cỏ nội. Đó là những bản hợp tấu về sắc màu, từ màu bông điên điển vàng, đến những đám rau thủy sinh non xanh như ngọc bích, hay đám sen, súng ửng hồng mặt nước… Tất cả đã hợp thành một bức tranh tổng thể đầy hấp dẫn về mùa nước nổi, để ngành Du lịch khai thác ở nhiều góc độ và đem lại cho du khách bao điều thú vị.
Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu của người dân thành thị muốn tận hưởng cuộc sống của người miền quê trong không gian đặc trưng của mùa nước nổi, Công ty Du lịch Lữ hành An Giang đã tập trung xây dựng các tour du lịch mùa nước nổi với các chuyến đi khám phá miền sông nước rất được đông đảo du khách ưa chuộng. Khách theo tour có thể ngồi thuyền rong ruỗi trên đồng với áo phao cẩn thận, để hướng dẫn viên hướng dẫn cách câu cá, hái bông điên điển, nhổ bông súng đồng v.v… Một trong những điểm tham quan chính là đến với rừng tràm Trà Sư ở xã An Hảo huyện Tịnh Biên. Đây là một trong những cánh rừng ngập nước đẹp nhất của khu vực Tây Nam Bộ. Đặc biệt là với những mùa nước lớn như năm nay, rừng càng bộc lộ hết vẻ đẹp thiên nhiên tiềm ẩn. Những cánh bèo cám bé li ti sinh sôi nhanh chóng trên mặt nước đã nối kết nhau lại thành một tấm thảm màu xanh ngọc bích làm cho cả khu rừng mênh mông như bừng sáng một sắc màu huyền ảo. Đẹp nhất là cảnh mặt trời lặn lúc chiều tà, để vương lại những ánh nắng lẻ loi xuyên qua cành lá như dát vàng lên mặt nước. Bấy giờ chim cò cũng nháo nhác về tổ. Hàng ngàn âm thanh vui tai của tiếng đàn chim nhỏ gọi bầy, xen lẫn tiếng vỗ cánh, chao liệng trên mặt nước của những cánh chim to lớn và dạn dĩ, làm cho không gian chợt trở nên sống động lạ thường. Sau một vòng tham quan, du khách còn có thể lên đài quan sát ở độ cao 120 bậc thang để có thể nhìn toàn cảnh khu rừng. Qua một viễn vọng kính có độ phóng đại 40 lần, khách có thể quan sát được đàn chim cò hàng chục vạn con liên tục bay lên đáp xuống trong khúc luân vũ của buổi hoàng hôn ở cánh rừng tràm v.v… Vẻ đẹp hoang dã ấy có sức cuốn hút mãnh liệt, khiến du khách vẫn còn cảm thấy nhiều tiếc nuối khi phải rời khu rừng. Tuy nhiên, sự tiếc nuối sẽ không lâu khi phải nhường chỗ cho những khám phá mới từ những món ẩm thực mùa nước nổi vốn rất ngon và đặc sắc từ đồng nước An Giang.
Món ăn thường được nhắc đến trong các nhà hàng sang trọng lẫn ngoài dân gian là cá linh và bông điên điển. Đây là hai sản vật được thiên nhiên ưu ái dành riêng cho vùng đất An Giang, với hương vị vô cùng đặc trưng. Cá linh khi còn non có thể kho lạt với tương hột, ăn với bông súng, bông điên điển bóp xổi, hoặc lớn hơn thì nấu canh chua với bông súng đồng. Món ăn từ cá linh mềm và cho vị ngọt thanh tao. Còn bông điển điển hái khi búp non vừa hé nụ, đem xào với tép đồng, vị ngọt rất đậm đà. Nhiều người ăn một lần rồi nghiền, cứ đến mùa phải tìm cho được món ăn dân dã nhưng độc đáo này.
Ưu thế thứ hai của ngành Du lịch An Giang là ưu thế về văn hóa, với những nét đẹp đan xen trong cộng đồng bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer. Tour du lịch mùa nước nổi tại An Giang cũng thường kết hợp đưa du khách đến với cộng đồng Chăm ở các địa phương như Châu Giang, Khánh Hòa, Phú Hiệp v.v… Ở đó, ngoài việc được mua sắm các loại thổ cẩm, du khách còn được chiêm ngưỡng những ngôi thánh đường Hồi giáo đẹp như huyền thoại, những thiếu nữ Chăm cần mẫn ngồi dệt lụa bên khung cửi với tiếng thoi đưa lách cách, hoặc nghe những giai điệu bập bùng, sôi động của tiếng trống pa-ra-nưng hòa nhịp cùng những lời ca tiếng hát trong vắt, ngọt ngào của những đoàn ca nhạc dân tộc…
Mùa nước cũng là thời điểm đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi An Giang có những lễ hội quan trọng như lễ Dolta vào cuối tháng tám âm lịch, lễ Ok Om Boc vào rằm tháng mười âm lịch. Đặc biệt năm nay, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch dân tộc Khmer Nam Bộ được tiến hành tại An Giang sẽ mang đến nhiều sắc màu văn hóa, kèm theo các hoạt động sôi nổi như đua bò, đua ghe ngo…