Cảnh báo ô nhiễm đất hai vua

Cập nhật: 26/10/2011
Làn sóng đô thị hoá không chỉ làm đảo lộn kiến trúc hạ tầng của những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), mà mảnh đất hai vua còn đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm, đặc biệt là nguồn nước thải, rác thải.

Rác thải xâm lấn di tích

Đường Lâm bấy lâu là một điểm hút khách du lịch. Đến nơi đây, du khách không chỉ khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử của mảnh đất hai vua, mà còn để được đắm mình vào bầu không gian yên tĩnh, thư thả nơi hồn quê Việt cổ. Song ở nơi đây, ý thức giữ gìn không gian cổ, bảo vệ môi trường sống của một số người dân trong làng đã bị lơi lỏng. Du khách đến đây không quá khó để bắt gặp những đống rác lớn, nhỏ nằm rải rác ven đường làng, ngõ xóm.

Vấn đề ô nhiễm còn hiện diện ngay cả trong khu vực di tích, điển hình là ở chiếc giếng cổ làng Mông Phụ cạn nước tận đáy, rác thải nổi lềnh bềnh gây phản cảm. Rồi rãnh nước thải đen ngòm, bốc mùi nồng nặc gần đình làng Mông Phụ và khung cảnh chợ tàn, để lại rác đủ loại gần chùa Mía..., đó là chưa kể một lượng rác thải được xả ra từ chính những du khách tham quan.

Trên khắp các ao hồ quanh làng, người ta cũng dễ bắt gặp những mớ rác trôi nổi dạt vào bờ. “Đứng chụp ảnh lưu niệm trước cổng làng, phía dưới ao lập lờ những búi rác lẫn vào ảnh, làm hỏng cả bức ảnh đẹp” - anh Hưng, một du khách chia sẻ.

 

Không thể làm ngơ

Rác được tích tụ lâu ngày sẽ phát sinh mầm bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong khu vực. Hơn thế, tình trạng ô nhiễm ở những khu vực kể trên đã ít nhiều ảnh hưởng đến mỹ quan cũng như để lại những ấn tượng không mấy tốt đẹp trong lòng du khách. Anh Lâm - một du khách vãn cảnh Đường Lâm cho hay: “Tháng trước tôi có việc qua làng, thấy rác thải nổi đầy mặt nước, nay về vẫn thấy đám rác còn nguyên, thấy buồn quá”.

Theo ông Nguyễn Văn Trình - phụ trách vệ sinh môi trường của xã: “Trung bình, mỗi hộ gia đình xả khoảng 0,5 - 0,7kg rác/ngày. Cộng với lượng nước thải sản xuất của các hộ dân khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng trở nên đáng báo động”. Cũng theo ông Trình và một số người dân trong làng phản ánh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm như trên phải kể đến một phần lỗi rất lớn từ phía người dân cũng như các ngành chức năng xã trong việc thu gom, xử lý rác, cụ thể: Rác thải chưa được thu gom đúng nơi quy định, nhiều người dân còn quen thói xả rác bừa bãi, hoặc khâu xử lý rác thải vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Nguồn rác thải thường được xử lý theo cách thủ công như: Chất đống và đốt hoặc chôn sâu dưới đất... Người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác trước khi thải ra.

Trước thực trạng này, nhiều du khách đã góp ý với những người trông coi di tích cũng như sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ ban quản lý về vật chất, hướng dẫn xử lý nguồn rác thải, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm hiện tại nhằm tạo dựng một môi trường lành sạch cho làng cổ. Quyết - sinh viên năm thứ tư, khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học tự nhiên chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng tổ chức đội tình nguyện về làng tuyên truyền, phổ biến và xử lý rác, nguồn nước thải bằng chính công nghệ chúng tôi học được”. Cũng vì tình yêu làng cổ, nhiều người đã ủng hộ tiền để chung tay bảo tồn và phát huy nét đẹp làng cổ cũng như giữ vững được môi trường trong lành nơi đây. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của địa phương cần sớm có biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm đang diễn ra nơi làng cổ.

 

monre.gov.vn