UNEP báo động nguy cơ thế giới cạn kiệt tài nguyên

Cập nhật: 04/11/2011
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cảnh báo cộng đồng thế giới cần hành động khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ cạn kiệt tài nguyên và môi trường sống bị phá hoại.

Khảo sát các biến đổi của môi trường toàn cầu trong suốt hai thập kỷ qua, UNEP cảnh báo các lĩnh vực thế giới cần lưu tâm khẩn cấp như lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đang tăng nhanh, đa dạng sinh học bị xói mòn, các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác không bền vững đang cạn kiệt nhanh. Sử dụng các nguồn tài nguyên đã tăng hơn 40% trong thời gian từ năm 1992-2005, nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ tăng dân số thế giới.

Nghiên cứu của UNEP nhan đề “Theo dấu những biến đổi môi trường từ Rio đến Rio+20” đã phác họa bức tranh không lạc quan về môi trường thế giới đương đại với những dữ kiện mới về dân số, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và lương thực, nạn tàn phá rừng nghiêm trọng đang diễn ra ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh và Caribe với hơn 300 triệu hécta rừng trong các khu vực này bị mất kể từ năm 1990, các sông băng bị tan chảy làm tăng mực nước biển đe dọa cuộc sống của hơn 1/6 dân số thế giới hiện đang sống ở các khu vực ven biển...

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và Giám đốc chấp hành UNEP Achim Steiner nhấn mạnh những lĩnh vực đã đạt được tiến bộ do con người quyết tâm đảo ngược các xu thế đe dọa cuộc sống con người như loại bỏ dần các hoá chất gây hại tầng ozon, tái chế các nguồn vật liệu, thương mại hoá năng lượng tái tạo, tăng cường buôn bán các sản phẩm hữu cơ và hiệu quả kinh tế, buôn bán chỉ tiêu cácbon để hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính…

Nhiều vấn đề môi trường đã được đưa vào các dòng chính sách trọng tâm của các chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, như phát triển nền kinh tế xanh trong đó nhiều đầu tư của chính phủ theo hướng quản lý hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên và ngăn chặn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nguồn: Chinhphu.vn