Thừa Thiên - Huế Khẩn trương di dời các lò gạch thủ công ra khỏi khu dân cư

Cập nhật: 22/11/2011
Trên địa bàn huyện Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) hiện có 22 lò gạch sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, tạo việc làm cho 315 lao động, tập trung chủ yếu ở xã Hương Vinh và một ít ở Hương Toàn. Trung bình, các lò gạch này sản xuất khoảng hơn 17 triệu viên gạch/năm để cung cấp cho thị trường.

Với mức tiêu thụ như hiện tại, thu nhập của người lao động có thể đạt từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng/người.

Tuy nhiên, các lò gạch thủ công ở đây nằm xen lẫn trong khu dân cư; nhiều chủ lò gạch tận dụng đất ở để làm lò nung gạch, sử dụng luôn những khoảng trống hai bên lề tỉnh lộ 4B để làm bãi tập kết lò gạch nên cản trở giao thông, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường cộng đồng dân cư và sản xuất nông nghiệp. Kết quả quan trắc của Trung tâm chuyển giao công nghệ, kiểm định, kiểm nghiệm Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thấy, bụi, nồng độ khí thải gây ô nhiễm môi trường vượt mức cho phép từ 7,7 đến 8,4 lần.

Lò gạch thủ công truyền thống lại đứng đầu danh mục các nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp vùng phụ cận. Theo Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2010 cả nước chấm dứt hoàn toàn hoạt động của các lò gạch thủ công. Trên cơ sở đó, ngay từ năm 2006, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có Quyết định "Quy hoạch chi tiết cụm làng nghề gạch ngói, gốm Hương Vinh, huyện Hương Trà" với diện tích 10,4 ha, kinh phí dự kiến đầu tư ban đầu là 19 tỷ đồng. Thế nhưng, từ bấy đến nay, vụ việc vẫn "án binh bất động", gây lo lắng cho hàng chục hộ dân sản xuất gạch ở đây.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Vinh cho biết: Chủ trương di chuyển các lò gạch ra khỏi khu dân cư ở đây đã được các hộ dân đồng thuận; nhưng việc chuyển đổi xem ra cũng lắm khó khăn, nhất là điểm di chuyển mới quá xa so với nhà ở của người lao động, nên nhiều gia đình không muốn lên nơi ở mới. Trong khi đó, dự án xây dựng cụm làng nghề gạch ngói, gốm Hương Vinh cũng đang nằm ở dạng "quy hoạch", chưa triển khai. Trước đó, xã Hương Vinh tổ chức cho một số chủ lò gạch đi tham quan mô hình sản xuất gạch theo công nghệ lò đứng ở các tỉnh phía Bắc; đã tập trung chuyển đổi được 5 lò sản xuất, nhưng do quy trình vận hành lò đứng liên tục, sử dụng nhiều lao động, nguồn nguyên liệu khan hiếm và sản phẩm không cạnh tranh nổi với gạch tuynel, nên hiện chỉ còn một lò hoạt động. Ngoài ra, các chủ cơ sở sản xuất gạch thủ công ở đây cũng được tham quan học tập mô hình sản xuất gốm, sứ một số nơi, nhưng việc ứng dụng và thử nghiệm không mấy kết quả nên tất cả đều bỏ cuộc.

Mới đây, Phòng Công Thương Hương Trà đã đề xuất hỗ trợ kinh phí thực hiện xóa bỏ lò gạch thủ công và chuyển đổi ngành nghề cho lao động tại các làng nghề sản xuất gạch ngói ở Hương Vinh, Hương Toàn với tổng vốn dự kiến hơn 1 tỷ đồng. Theo đó, trường hợp vận động các chủ lò gạch tự nguyện xóa bỏ triệt để các lò gạch thủ công, cần có chính sách hỗ trợ cho 90 lao động ít nhất 6 tháng đầu để họ tìm nghề mới, học nghề và chuyển đổi nghề với kinh phí 350 triệu đồng (600 ngàn đồng/người/tháng). Còn việc hỗ trợ kinh phí đào tạo, chuyển đổi nghề mới cho lao động trong 3 tháng với kinh phí 100 triệu đồng (350 ngàn đồng/người/tháng). Ngoài ra, người lao động còn được hỗ trợ kinh phí tham quan học tập, du nhập nghề mới với kinh phí 100 triệu đồng; đồng thời, quy hoạch cụm dân cư mới tại thôn Thủy Phú sau khi xóa bỏ các lò gạch với kinh phí 500 triệu đồng.

Vậy là từ ý định "Quy hoạch chi tiết cụm làng nghề gạch ngói, gốm Hương Vinh, huyện Hương Trà" với diện tích 10,4 ha, kinh phí dự kiến đầu tư ban đầu là 19 tỷ đồng; nay rút xuống ở mức hơn 1 tỷ đồng, nhưng xem ra vì có quá nhiều cách lựa chọn, nên dự án vẫn là đang là một phương án "chờ". Thiết nghĩ, nếu kết quả rà soát lại các làng nghề sản xuất gạch ngói gây ô nhiễm nặng nề, không đủ tiêu chí làng nghề thì các cơ quan có thẩm quyền nên mạnh dạn loại bỏ. UBND huyện Hương Trà cũng cần khẩn trương lập đề án xử lý ô nhiễm môi trường một cách triệt để theo hướng hỗ trợ, chuyển đổi ngành nghề cho người lao động, di dời các lò gạch thủ công ra khỏi khu dân cư, hoàn thành theo đúng tiến độ của UBND tỉnh vào cuối 2012...

 

Nguồn: Monre