Thành phố Hồ Chí Minh: Nâng cao chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ bằng các biện pháp lâm sinh

Cập nhật: 30/11/2011
Trước tình trạng rừng đước ngập mặn Cần Giờ (huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh) có những dấu hiệu thoái hóa như: tỉ lệ giữa đường kính thân và chiều cao không hợp lí, sinh trưởng kém do mật độ quá dày, các cành dưới tán rừng bị chết khô do không cạnh tranh được đủ ánh sáng, sinh vật hại cây rừng (sâu đục thân, mối…) có chiều hướng tăng…

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra một số biện pháp lâm sinh để nâng cao chất lượng rừng ngập mặn Cần Giờ sau khi tham khảo ý kiến của một số chuyên gia ngành lâm nghiệp.

Theo đó, ngành nông nghiệp thành phố dự kiến sẽ tỉa thưa rừng trồng giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn, trong đó tỉa những cây sinh trưởng yếu do bị chèn ép, những cây đã quá tuổi thành thục (khoảng 25-30 tuổi), những cây bị sâu bệnh gây hại nặng… chỉ để lại những cây khỏe, đang trong độ tuổi phát triển mạnh; tạo lập một hệ sinh thái rừng với chủng loại cây trồng đa dạng, phong phú nhiều tầng nhiều tán; Cải tạo rừng đước Cần Giờ theo hướng tự nhiên. Ngoài ra, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp thành phố nên tạo lập sự lưu chuyển, khai thông dòng chảy trong vùng sinh thái rừng dọc sông Đồng Nai, tạo môi trường phát triển tự nhiên cho hệ sinh thái rừng.

Rừng đước Cần Giờ được trồng vào năm 1978 với mục tiêu ban đầu là khôi phục nhanh vùng rừng Sác đã bị hủy diệt bằng chất độc hóa học. Đến nay, rừng đước Cần Giờ có vai trò là rừng phòng hộ môi trường cho thành phố Hồ Chí Minh và năm 2001 được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Tổng diện tích rừng phòng hộ Cần Giờ hiện nay là 37.236,93 ha, trong đó diện tích rừng là 30.530,21 ha với 97% là cây đước, còn lại là một số cây khác như mắm, sú…

 

Nguồn: monre.gov.vn