Ngày 1/12, tại Hà Nội, đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Bộ Tài chính Việt Nam đã ký thỏa ước khoản vay ưu đãi 20 triệu euro tài trợ cho giai đoạn hai Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại lễ ký, ông Jean Marc Gravellini-Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp tại Hà Nội nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tổn thương nhiều nhất bởi những hậu quả của biến đổi khí hậu.
Với những tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng 1m sẽ ảnh hưởng tới gần 5% đất đai của Việt Nam, 11% dân số, 7% đất nông nghiệp.
"Vì vậy, nguồn vốn hỗ trợ này sẽ giúp Việt Nam thực hiện một chương trình cho nhiều năm với các dự án về chính sách công trong 8 lĩnh vực : Năng lượng tái tạo, Tiết kiệm năng lương, Rừng, Quản lý rác thải, Cơ chế phát triển sạch, Nước, Phòng chống thảm họa thiên nhiên và Nông nghiệp," ông Jean Marc Gravellini nhấn mạnh.
Song song với việc hỗ trợ ngân sách, AFD cũng triển khai những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Các hoạt động hỗ trợ này hướng tới việc xác định mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong ngành thép, phân tích chính sách phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam và chuẩn bị một kế hoạch hành động ở quy mô địa phương.
Thay mặt chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Thành Đô-Cục trưởng Cục quản lý Nợ và Tài chính Đối ngoại, Bộ Tài chính đánh giá cao khoản tài trợ mà AFD đã dành cho Việt Nam.
Ông Đô nhận định, hành động này đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Pháp và Việt Nam trong việc ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu cũng như việc xóa đói giảm nghèo.
“Chúng tôi hy vọng AFD cũng như chính phủ Pháp sẽ có thêm nhiều công cụ hỗ trợ Việt Nam hơn nữa,” ông Nguyễn Thành Đô cho hay./.
Để đối phó với những thách thức từ biến đối khí hậu, AFD và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã đề xuất với các cơ quan thẩm quyền Việt Nam một khoản hỗ trợ ngân sách trong thời gian ba năm (2010-2012). Tháng 12 năm 2008, Chương trình ứng phó biến đổi khí hậu với mục tiêu hỗ trợ triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia chống biến đổi khí hậu đã được Việt Nam chính thức thông qua.
Sáng kiến này được bắt nguồn từ một kinh nghiệm trước đó tại Indonesia mà AFD đã tham gia. Từ đó, rất nhiều nhà tài trợ quốc tế đã tham gia chương trình như Ngân hàng Thế giới, Cơ quan phát triển quốc tế Canada (CIDA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Korea Eximbank), Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID). |