Hồ Dầu Tiếng, một vùng cảnh quan du lịch sinh thái trong lành, hấp dẫn. Một công trình thủy lợi được xem là lớn nhất Đông Nam Á, có diện tích mặt nước là 270km² và 45,6km² đất bán ngập nước, dung tích chứa 1,58 tỷ m³ nước, được khởi công xây dựng vào ngày 29/4/1981 và hoàn thành vào ngày 10/1/1985.
Cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 80km, trước đây Hồ Dầu Tiếng là một phần củaChiến khu Dương Minh Châu, đóng góp rất nhiều vào chiến thắng giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Lòng hồ bây giờ yên bình êm ả biết bao, cũng là nơi cung cấp nguồn cá tươi cho nhân dân trong đó đặc sản nổi tiếng là cá Lăng, một loại cá da trơn nấu canh chua lá dang, lá dang cũng là món đặc sản của Tây Ninh, là loại rau rừng từng nuôi các anh bộ đội, có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Lá dang còn dùng để làm món cá rô kho rồ, cá rô mới đánh từ lòng hồ còn nhảy soi sói, đem rửa sạch và cứ để như thế cho vào nồi với nắm lá dang, trên ngọn lửa thật to, chừng vài phút là có món ăn vô cùng khoái khẩu.
Hồ Dầu Tiếng thuộc huyện Dầu Tiếng tỉnh Bình Dương song lưu vực chủ yếu nằm trên địa phận huyệnDương Minh Châuvà một phần nhỏ trên địa phận huyệnTân Châu, tỉnhTây Ninh, cách thị xãTây Ninh 25km về hướng đông. Với một đập xả lũ ra đầu nguồn sông Sài Gòn và hai kênh Đông và Tây mang dòng nước mát lành tưới cho những cánh đồng lúa, mì, mía ởTây Ninh; Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Ngoài ra còn cung cấp nước cho nhà máy lọc nước ởThủ Đức. Còn phải kể đến hàng ngàn km kênh cấp II, III dẫn đến từng thôn ấp để tưới tiêu cho gần 83.000ha ruộng rẫy.
Nhu cầu vui chơi giải trí của người dân tại địa phương và TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và du khách quốc tế ngày càng cao. Đến đây bằng đường bộ từ Bình Dương, qua huyện Dầu Tiếng đến chân núi Cậu, dãy núi Cậu là bờ tự nhiên của hồ, chạy dài nghiêng mình soi bóng xuống làn nước lung linh, tạo nên một bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình. Trên núi Cậu có chùa Ông, ở đây trông xuống vùng hồ khung cảnh thật tráng lệ. Nằm trong rừng cao su gần núi Cậu là hồ Cầu Nôm, nước cũng trong xanh. Nơi đây xa làng mạc, không khí không bị ô nhiễm, thật là một điểm đến du lịch cho kỳ nghỉ thú vị. Trong lòng hồ còn có rất nhiều đảo: đảo Xỉn, đảo Trảng, đảo Đồng Bò…, là những nét chấm phá thêm sinh động cho bức tranh Hồ Dầu Tiếng. Bên bờ hồ có Đồi Thơ thoai thoải đứng cạnh rừng nguyên sinh tạo nên vẻ đẹp quyến rũ trong bức tranh toàn cảnh bao la nước trời. Có một con đường khác, là tuyến đường Xuyên Á, trên đường đi khách du lịch ghé qua Trảng Bàng để thưởng thức món bánh canh và bánh tráng phơi sương cuốn với thịt luộc, các loại rau rừng có loại chát chát, loại chua chua, loại the the, thơm mùi đặc trưng làm thực khách càng dùng, càng thích không có cảm giác ngán ngậy.
Nếu thích thì mua thêm muối tôm Tây Ninh, nổi tiếng là ngon. Đây là sự sáng tạo đặc trưng của dân Tây Ninh, và trong sự khó khăn đã trở thành nhà kinh doanh giỏi. Có lẽ khó nơi nào có thể so sánh được. Tại một vùng đất một thời nổi tiếng rừng thiêng nước độc, muối ớt là một món ăn dân dã, ít khi vắng mặt trên mâm cơm. Người dân chịu thương chịu khó nơi này nâng cấp muối ớt đơn điệu thành món đặc sản, dễ cất giữ, đa dụng có thể để chấm cóc, ổi, xoài me… Trộn muối vào bánh tráng cắt nhỏ một tí dầu, ít lá rau răm các cô nàng tuổi teen rất ưa chuộng, hay cho vào nồi canh để tăng thêm hương vị. Một ký muối tinh hơn chục ngàn, vào tay người Tây Ninh chế biến thành sản phẩm có giá từ 150.000đ đến 300.000đ cho một ký, quả là con số biết nói.
Hồ Dầu Tiếng tương lai sẽ còn xanh tươi, xinh đẹp hơn nữa và là một điểm dừng chân đầy ý nghĩa cho du khách khi đến Tây Ninh. Nơi đây, trong tương lai gần sẽ thành khu nghỉ dưỡng cao cấp, công viên giải trí, công viên rừng, khu săn bắn, câu cá, bãi tắm, du thuyền, các môn thể thao trên nước.
Triệu Ngọc Hạ