Chung tay xây dựng thương hiệu du lịch biển

Cập nhật: 06/01/2012
Trong một hội thảo về thương hiệu du lịch biển tại TP. Phan Thiết mới đây, nhiều chuyên gia về biển và du lịch biển đều khẳng định: Việt Nam có bờ biển, lãnh thổ biển lớn vào loại nhất Châu Á - Thái Bình Dương.

Nhưng thương hiệu biển Việt Nam còn quá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và thế giới. Với Bình Thuận, một tỉnh duyên hải có đến 192 km bờ biển, có vịnh Mũi Né nổi tiếng, hẳn câu chuyện về thương hiệu du lịch biển là câu chuyện đẹp trước thềm năm mới.

Vài năm trở lại đây, khi mà nền kinh tế biển ngày càng có đóng góp quan trọng cho đất nước. Đặc biệt là kinh tế biển là một trong những chủ đề thời sự về biển Đông cứ nóng dần, chúng ta mới nói đến thương hiệu cho biển Việt Nam. Nhưng xây dựng thương hiệu trên điều kiện nào? Ai làm thương hiệu? Và làm bắt đầu từ đâu? Câu hỏi này được PGS-TS Phạm Trung Lương (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Bộ VHTTDL) đưa ra, không chỉ là là trăn trở của nhiều chuyên gia về biển và du lịch biển, mà ngay cả với các doanh nhân chuyên kinh doanh du lịch biển cũng hết sức chú ý.

Thương hiệu từ… ý thức người dân

Ông Phạm Văn Mỵ - Phó Chánh văn phòng Cục Biển và Hải đảo (Bộ TNMT) cho biết, Cục biển và hải đảo được Bộ TNMT giao trách nhiệm xây dựng dự án quảng bá thương hiệu biển Việt Nam. Nhưng đây là vấn đề khó, vì còn quá mới mẻ. Muốn xây dựng thương hiệu biển Việt Nam, theo ông Mỵ, trước hết chúng ta phải xây dựng được thương hiệu từng vùng miền. Điều này phải được hình thành ngay từ ý thức nhỏ nhất của người dân. Ở tầm vĩ mô, ông Mỵ cho rằng tức là phải xây dựng được thương hiệu biển Việt Nam theo mô hình “tứ trụ” chứ không phải mô hình “tuyến tính”.

Giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận Ngô Minh Chính cho rằng 15 năm qua Bình Thuận mới hình thành được thương hiệu Mũi Né. Ông Chính cho rằng biển Mũi Né giờ là thương hiệu vùng, không còn là riêng của Bình Thuận. Làm du lịch biển mà không tạo ra được thương hiệu thì sẽ thất bại. Xây dựng được thương hiệu đã khó, bảo vệ thương hiệu còn khó gấp nhiều lần. Ông Chính lấy ví dụ, mới đây Tạp chí National Geographic (Mỹ) xếp bãi biển Mũi Né và Nha Trang vào top những bãi biển “tệ” nhất thế giới. Nhưng chúng ta đối phó với tình huống này khá chậm, làm ảnh hưởng đến một thương hiệu du lịch biển mà có khi phải mất mấy chục năm mới gầy dựng nên.

 Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Phú Đức thì đưa ra một sơ đồ cơ cấu tạo nên thương hiệu biển Việt Nam, mà trong đó, theo ông Đức có cả cộng đồng dân cư, doanh nghiệp du lịch và du khách… đều là nhân tố tạo nên thương hiệu biển.

Ở góc nhìn khác, bà Xuân Lan - Trường ĐH Văn Lang lại cho rằng, phải tạo được những “sản phẩm vô hình”, là điều không thể thiếu khi nói đến thương hiệu biển. Đó là phải phát huy các phong tục tập quán văn hóa, lòng mến khách của người dân địa phương. Đây là cái khó thấy, khó xây dựng, nhưng lại rất dễ bị mất đi.

Thương hiệu phải từ hạ tầng cơ sở tốt

TS Đỗ Cẩm Thơ, ở Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng sở dĩ chúng ta chưa đưa được biển Việt Nam ra với thế giới là do chúng ta chưa có cơ sở hạ tầng bài bản. TS Thơ so sánh, ở Thái Lan có đến hàng trăm sân bay lớn nhỏ, trong đó có đến 9 sân bay quốc tế. Tương tự, các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan không chỉ có nhiều cảng hàng không mà còn nhiều cảng biển lớn có thể đón tàu du lịch thuận lợi. Đặc biệt là Singapore, quốc gia có diện tích rất nhỏ  nhưng trở thành nơi phát huy thế mạnh về cảng biển vào bậc nhất thế giới. Trong khi đó, Việt Nam chưa có một cảng biển du lịch nào đúng nghĩa. “Hạ tầng cơ sở là một trong những cản trở lớn nhất của thương hiệu du lịch biển Việt Nam hiện nay”- ông Thơ nhận xét.

Ông Lê Hùng Việt - Phó giám đốc Sở TNMT Bình Thuận lo lắng, vấn đề ô nhiễm môi trường biển hiện nay rất phổ biến, không riêng gì với vùng biển Bình Thuận. Việc bảo vệ môi trường biển hiện nay không chỉ là thách thức đối với các nhà quản lý, mà nó còn đòi hỏi ngay từ ý thức nhỏ nhất của người dân. Bảo vệ môi trường du lịch biển không chỉ tạo được thương hiệu cho chúng ta mà nó còn quyết định đến chuyện du khách có đến với chúng ta lần thứ hai, thứ ba hay không. 

Sản phẩm nghèo nàn

Từng nổi danh là “thủ đô resort” của Việt Nam, nhưng nhiều du khách quốc tế đến Mũi Né vẫn than phiền không biết sản phẩm gì ngoài nghỉ dưỡng. Bà Daria Vishukova đến từ nước Nga, cho rằng sản phẩm du lịch Mũi Né còn ít, nên nhiều du khách đến Mũi Né không trở lại nữa. Khắc phục điểm yếu này, theo Giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận Ngô Minh Chính là phải tăng cường sản phẩm du lịch có chất lượng. “Tại sao mình lại không huy động ngư dân vào làm du lịch biển?” Ông Chính đặt câu hỏi, và kiến nghị phải tăng cường mở rộng thị trường bằng những  sản phẩm du lịch có chất lượng.

Còn ông Phạm Trung Lương thì trích lời Giáo sư Michel Porter của Đại học Harvard (Mỹ) nói rằng, thương hiệu biển của chúng ta chưa có tính cạnh tranh cao, trong đó chất lượng là quan trọng. Phải làm được điều đó thì  biển Việt Nam mới có chỗ đứng vững chắc trên trường quốc tế.

 

Nguồn: Báo ĐT Bình Thuận