Từ lợi thế rừng giàu
Nằm ở điểm cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, tổng diện tích hơn 15 nghìn ha, vùng đệm 18.639 ha, trong đó khu bảo vệ nghiêm ngặt là 9.099 ha, Vườn Quốc gia Xuân Sơn là nơi duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi (2.432 ha). Với 726 loài thực vật bậc cao và các loài tiêu biểu cho khu vực Tây Bắc như táu muối, táu lá duối, sao mặt quỷ và chò chỉ, chò vảy, nghiến, dồi, vầu đắng; 365 loài động vật, trong đó có 46 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam và 18 loài ghi trong sách đỏ thế giới. Các loài đặc trưng cho hệ động vật Tây Bắc như Voọc xám, vượn chó, cày bạc má, sóc bụng đỏ đuôi trắng, gấu, báo, gà lôi, gà tiền, đại bàng đất... riêng sơn dương có nhiều nhất cả nước.
Khi mới thành lập Vườn Quốc gia Xuân Sơn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc không có, hệ thống đường giao thông chưa được đầu tư. Hiện tại vườn chưa có kiểm lâm, chỉ có năm trạm quản lý và bảo vệ rừng, với 35 người, nhiệm vụ chủ yếu là quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thời gian qua, lực lượng bảo vệ rừng của vườn đã phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm huyện Tân Sơn trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Từ năm 2000 trở lại đây không xảy ra vụ việc nghiêm trọng nào vi phạm về rừng. Có thể nói Vườn Quốc gia Xuân Sơn là "vùng rừng khá bình yên!". Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn Phạm Văn Long tâm sự, công tác nhân sự của vườn cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu giữ người. Vì nơi đây hẻo lánh cho nên cán bộ trẻ cũng không muốn gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, lãnh đạo vườn cũng có những cách riêng, Anh Long nói vui, muốn cán bộ gắn bó lâu dài với rừng chỉ có cách làm hay là ghép họ lại thành từng đôi, để họ tự tìm thấy niềm vui và nguồn hạnh phúc tại chính nơi này. Nói là làm, tiếp nhận cán bộ trẻ, nếu thấy chưa vợ, chưa chồng là lãnh đạo vườn sẽ trở thành "bà mối". Ðến nay, vườn đã có ba đôi được "se duyên" và coi vườn là nhà, là tổ ấm của mình, gắn bó với vườn như quê hương thứ hai.
Sau 10 năm xây dựng và phát triển, vườn đã xây dựng được các công trình phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là công trình đường tuần tra rừng kết hợp giao thông, đến nay cơ bản đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với hơn 19 km đường bê-tông đi đến những thôn, bản xa nhất như Tân Ong, Xoan xã Kim Thượng. Ngoài phục vụ công tác tuần tra bảo vệ rừng, đường tuần tra rừng còn giúp cho việc đi lại của nhân dân được thuận lợi.
Ðường lên vườn quốc gia quanh co, được che mát bởi những tán cây đủ loại tầng tầng, lớp lớp. Hiện ra trước mắt chúng tôi là những cây chò chỉ hàng trăm năm tuổi thẳng tắp vút lên nền trời, thân cây mấy người ôm không xuể. Dọc đường còn là những cây dương xỉ khổng lồ cao quá đầu người với tán lá xum xuê xanh mướt. Ngoài sức hấp dẫn của hệ động thực vật phong phú, Xuân Sơn còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú. Nằm trong quần thể vườn còn ba đỉnh núi cao hơn 1.000 m là núi Voi, núi Ten và núi Cẩn, với hàng trăm hang động; sông suối và nhiều thác nước có độ cao hơn 50m, che phủ hang, hốc đá, hòa quyện mầu thác bạc với mầu xanh của rừng già làm cho phong cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng.
Ðến khai thác hiệu quả tiềm năng
Xã Xuân Sơn nằm trong vùng lõi của vườn quốc gia, có 258 hộ (1.057 nhân khẩu), gồm hai dân tộc Mường và Dao. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, cho nên cuộc sống còn nhiều khó khăn, có tới hơn 50% hộ nghèo. Toàn xã có hơn 6.050 ha, thì được giao khoán bảo vệ rừng hơn 5.000 ha. Từ khi được giao khoán bảo vệ rừng, mỗi hộ gia đình cũng có thêm thu nhập hai triệu đồng/năm. Năm 2011, Vườn quốc gia Xuân Sơn phối hợp Trung tâm thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) triển khai thực hiện mô hình thử nghiệm "Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất khoai tầng vàng", với mục đích bảo tồn nguồn gien khoai tầng vàng, cung cấp giống phục vụ gây trồng trên diện rộng. Thông qua kết quả của mô hình tiến tới cung cấp giống, triển khai nhân rộng cho người dân gây trồng, để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình và hướng đến việc tạo ra thương hiệu sản phẩm hàng hóa cho khoai tầng vàng Xuân Sơn nhằm đáp ứng cho nhu cầu du lịch trong tương lai và góp phần quản lý rừng Vườn Quốc gia Xuân Sơn bền vững. Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn Phạm Văn Long cho biết thêm, ngoài mô hình thử nghiệm "Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất khoai tầng vàng", Dự án "Cải thiện đời sống người dân địa phương ở trong và ngoài vườn quốc gia, góp phần quản lý rừng bền vững" cũng đem lại hiệu quả khả quan. Năm 2010 là năm đầu tiên tiến hành khai thác nhựa cây với khối lượng 12 kg, giá bán 130 nghìn đồng/kg, cho thu nhập 1.560.000 đồng. Năm 2011 thu 150-200 kg, thu nhập 21-29 triệu đồng.
Xuân Sơn còn được biết đến với hai loại đặc sản là gà nhiều cựa và lợn lửng. Gà nhiều cựa nổi tiếng với danh tiếng giống "gà chín cựa" trong truyền thuyết Sơn Tinh -Thủy Tinh. Gà nhiều cựa là đặc sản, nên bán được giá, 260 nghìn - 300 nghìn đồng/kg. Nếu nuôi khoảng 10 con gà hoặc lợn thì mỗi năm người dân có 10-20 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, việc nuôi gà nhiều cựa cũng gặp nhiều rủi ro, mặc dù đang có chương trình đầu tư cho 40 hộ nuôi gà, mỗi con gà khi nuôi được hỗ trợ 30 nghìn đồng. Ðợt rét đầu năm 2011, nhiều nhà gà bị chết do thời tiết rét đậm, rét hại.
Ðược biết, hoạt động du lịch ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn vẫn ở mức phát triển tự phát, chưa có quy hoạch và quản lý cụ thể nên lợi nhuận từ du lịch chưa được bao nhiêu. Hiện mới chỉ có một dự án về du lịch sinh thái, tâm linh gắn với cộng đồng do một doanh nghiệp xây dựng làm chủ đầu tư triển khai thực hiện từ năm 2009.
Với tiềm năng to lớn cùng bước đột phá trong khâu bảo vệ và phát triển rừng, Vườn Quốc gia Xuân Sơn đang tạo đà thuận lợi để phát triển nhiều loại hình kinh tế gắn với du lịch.