“Nghiên cứu và dự báo ô nhiễm gây tổn thương môi trường nước và trầm tích vùng biển vịnh Chân Mây – Lăng Cô, Thừa Thiên – Huế” do nhóm tác giả TS Nguyễn Đức Toàn, Bùi Quang Hạt, Lý Việt Hùng thuộc Trung tâm tư vấn và công nghệ môi trường thực hiện vừa được công bố trên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường tháng 12/2011, nằm trong Dự án “Điều tra, nghiên cứu, đánh giá và dự báo ô nhiễm gây tổn thương môi trường nước và trầm tích đáy biển các vùng biển Việt Nam”.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nguyên tố kim loại nặng trong nước biển tập trung chủ yếu ở khu vực đầm Lập An và phân bố một phần ở vịnh Chân Mây; nồng độ dầu tại vùng biển vịnh Lăng Cô – Chân Mây dao động trong khoảng 0,02 – 0,12mg/l, vượt giới hạn cho phép đối với bãi tắm và nuôi trồng thủy sản, đặc biệt một số khu vực có nồng độ dầu từ 0,08-0,12mg/l, phân bố ở cửa đầm Lập An với độ sâu từ 0-2m.
Cũng theo khảo sát, các nguyên tố kim loại nặng như chì, kẽm, đồng, mangan hàm lượng cao xuất hiện và có nguy cơ gây ô nhiễm tại một vài khu vực như phía đông bắc mũi Chân Mây Tây (độ sâu 12-14m), phía Bắc và Tây Nam mũi Chân Mây Đông (8-11m và 17 – 21m), phía Đông núi Giòn (15 – 19m), đầm Lập An.
Qua sự phân bố của các nhân tố ô nhiễm dễ có thể nhận thấy các khu vực này thường diễn ra các hoạt động nhân sinh mạnh mẽ như hoạt động của tàu thuyền, các dịch vụ nghề biển, đánh bắt thủy hải sản…, các quá trình dùng chất hóa học tẩy rửa tàu thuyển, sử dụng xăng dầu cùng nhiều hoạt động khác đã có tác động không nhỏ tới môi trường khu vực này.
Dự báo, trong những năm tới, các hoạt động phát triển kinh tế như khai thác tài nguyên, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, du lịch tiếp tục tăng nhanh, điều kiện tự nhiên vùng biển cũng có độ mở và biên độ thủy triều lớn khiến khả năng đối lưu, trao đổi nước với vùng biển tốt hơn, do đó dễ làm tăng hàm lượng kim loại nặng và các chất dinh dưỡng, dầu trong nước biển.