Ecolife – Doanh nghiệp xã hội đồng hành tới tương lai xanh cùng cộng đồng ven biển

Cập nhật: 12/01/2012
Lúc mới trở về từ Pháp với tấm bằng MBA, khái niệm doanh nghiệp xã hội vẫn còn khá lạ lẫm với tôi. Sau này, khi trở thành điều phối viên dự án của Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Vietnet (Vietnet-ICT) và thực hiện dự án “Mạng lưới các nữ doanh nhân xã hội làm công tác quản lý NGO” do Đại sứ quán Mỹ tài trợ, tôi mới có cơ hội hiểu rõ hơn về cách tiếp cận doanh nghiệp xã hội. Tôi quyết định tìm đến Ecolife để nghiên cứu sâu hơn và chia sẻ với những người trong dự án.

Vườn quốc gia Xuân Thủy

Sáng kiến Ecolife, từ tư duy tổ chức phi chính phủ tới doanh nhân xã hội

Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) là một tổ chức phi chính phủ Việt Nam được chính thức thành lập năm 2003. MCD hoạt động với mục tiêu tiêu bảo tồn các hệ sinh thái biển và ven biển góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ven biển thông qua bản địa hóa các kiến thức và kinh nghiệm quốc tế thành các mô hình ứng dụng thực tiễn mang tính thích nghi tại Việt Nam. Trong nhiều năm, MCD đã góp phần xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng (DLSTCĐ) thông qua các dự án của mình, làm thay đổi bộ mặt cho những làng quê đó, nổi bật trong đó là mô hình tại xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đang trong giai đoạn phát triển tốt. Sau những năm thực hiện dự án, các mô hình đã dần hoàn thiện, nhưng bài toán trăn trở cho những người làm quản lý MCD là làm sao cho những mô hình này tồn tại bền vững và đem lại lợi ích kinh tế lâu dài cho những người dân sau khi dự án kết thúc; việc nhân rộng mô hình đó ra những địa phương có điều kiện tự nhiên tương tự cũng là một thách thức.

Trước những trăn trở đặt ra, Giám đốc MCD Nguyễn Thu Huệ và Phó Giám đốc Hồ Thị Yến Thu, đã tìm ra một hướng đi mới cho tổ chức của mình, áp dụng cách tiếp cận doanh nhân xã hội. Sáng kiến ECOLIFE được khởi nguồn từ chính các kinh nghiệm và kết quả hoạt động của MCD thông qua dự án viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế và trong nước. Từ một tổ chức phi chính phủ chỉ hoạt động đơn thuần dựa vào nguồn tài trợ của các nhà tài trợ trong và ngoài nước, MCD đã phát triển thêm một nhánh doanh nghiệp xã hội và Ecolife trở thành cánh tay kinh doanh của MCD thực hiện phần kinh doanh với cộng đồng. Dự án ECOLIFE giai đoạn cất cánh đã được Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) lựa chọn tham gia chương trình Hỗ trợ Doanh nhân Xã hội Việt Nam năm 2009 và trở thành một trong những trường hợp bước đầu thành công trong việc chuyển đổi tư duy tổ chức phi chính phủ sang doanh nhân xã hội. Trên cơ sở đó, cuối năm 2009, doanh nghiệp xã hội Công ty TNHH Dịch vụ Sinh thái Ecolife ra đời, do bà Hồ Thị Yến Thu là thành viên sáng lập kiêm Giám đốc điều hành và bà Nguyễn Thu Huệ là thành viên sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Ecolife là một doanh nghiệp xã hội thúc đẩy việc bảo vệ môi trường biển trong lành và cải thiện đời sống người dân ven biển thông qua các hoạt động đầu tư xã hội, kinh doanh dịch vụ sinh thái biển và ven biển có sự tham gia của cộng đồng.

Hiện nay, mô hình DLSTCD Giao Xuân của Ecolife đã tự chủ trong tổ chức kinh doanh, có cơ chế quản lý thành viên cộng đồng theo hình thức hợp tác xã đối tác của Ecolife và tạo thu nhập từ dịch vụ sinh thái cho 50 hộ gia đình. Bản thân Công ty Ecolife cũng tạo được thương hiệu trong lĩnh vực tổ chức dịch vụ sinh thái và trở thành đối tác tin cậy của các doanh nghiệp khác như GFC Travel, Buffalo Tours…

Khu bảo vệ hệ sinh thái biển Rạn Trào là một trong những mô hình kinh doanh du lịch sinh thái cộng đồng mà công ty Ecolife đang hỗ trợ đầu tư và phát triển. Với những lợi thế về biển và tài nguyên biển, cộng đồng địa phương tích cực tham gia vào các hoạt động tổ chức kinh doanh, cung cấp các dịch vụ du lịch sinth thái cộng đồng, từ tháng 8/2011 công ty Ecolife đã phối hợp đào tạo kỹ năng cho nhóm cộng đồng, thúc đẩy biên bản hợp tác toàn diện giữa công ty và đối tác trong Rạn Trào. Tiếp theo đó tháng 9/2011 công ty đã hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng cơ sở vật chất cho cộng đồng nhằm phục vụ nhu cầu cho khách du lịch.

Trong quá trình nỗ lực tổ chức cộng đồng tham gia các hoạt động kinh doanh, công ty Ecolife đã nhận được sự ủng hộ và hợp tác từ chính quyền địa phương, các công ty cung cấp dịch vụ lữ hành, du lịch tại Nha Trang và các tỉnh lân cận, và thành quả đầu tiên thu được sau quá trình đào tạo cộng đồng là chuyến tham quan học tập của Trung tâm phát triển cộng đồng ven đô SCODE – Hà Nam (Scode) vào tháng 12/2011 bước đầu chứng minh cho hướng kinh doanh đúng đắn và sáng tạo của công ty.

Được biết Ecolife sẽ tiếp tục tiếp cận và xây dựng mô hình kinh doanh du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Phù Long, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng nhằm tạo thêm nhiều cơ hội cho các cộng đồng ven biển có thêm một sinh kế và nguồn thu bổ trợ khác.

Những hoạt động nêu trên của công ty Ecolife đã thể hiện được một tầm nhìn ngay từ khi thiết kế về quy mô và định hướng ban đầu, vận dụng một cách sáng tạo năng lực của cộng đồng để đi vào kinh doanh, vừa tạo dựng được sinh kế cho người dân lại vừa đóng góp vào các công tác bảo vệ môi trường thông qua giảm thiểu tác động sinh kế lên môi trường và hệ sinh thái ven biển. 

Các hoạt động truyền thông của công ty Ecolife cũng đang được triển khai với nhiều hình thức khác nhau, trong đó diễn đàn socialbusiness.vn – một diễn đàn của các doanh nghiệp xã hội - là một trong những hướng tiếp cận và chia sẻ thông tin rất linh hoạt nhằm tạo dựng một không gian để các tư vấn, những đồng nghiệp của Ecolife được tham gia, chia sẻ và đóng góp ý kiến cho các hoạt động xây dựng, phát triển công ty. Điều này đã chứng tỏ sự nghiêm túc học hỏi và đầu tư cho các hoạt động xây dựng và tự hoàn thiện mình của công ty Ecolife.

Doanh nghiệp Ecolife đã được chuẩn bị kỹ lưỡng với sứ mệnh thúc đẩy các sáng kiến cung cấp dịch vụ sinh thái tại Việt Nam với trọng tâm là đồng hành cùng cộng đồng nghèo và trở thành chủ thể quan trọng trong chuỗi kinh doanh các dịch vụ sinh thái mang tác động xã hội và thân thiện môi trường. Ecolife dành lợi nhuận thu được từ hoạt động để xây dựng quỹ môi trường nhằm tái đầu tư vào các sáng kiến sinh thái tiếp theo.

Khó khăn, thách thức đặt ra

Chập chững trong những bước đi ban đầu, Ecolife cũng đã vấp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển. Trước tiên là sự phân chia trách nhiệm nghĩa vụ và quyền lợi trong chuỗi giá trị của dịch vụ. Từ khi Ecolife ra đời, cộng đồng từ vị thế là người hưởng lợi trở thành đối tác kinh doanh của Ecolife, việc phân chia rõ ràng nghĩa vụ và lợi nhuận cũng vì thế mà phải rõ ràng. Quá trình hình thành được quy chế phân chia này là quá trình từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng địa phương, không phải ngay từ đầu đã tìm ra được tiếng nói chung. Tuy nhiên do sự nỗ lực vận động, giảng giải cũng như việc đưa ra những cách tiếp cận mới, Ecolife đã giúp bà con tăng cường năng lực, hiểu được việc phân chia lợi nhuận, mỗi bên đảm trách phần việc của mình vì hiệu quả chung, từ đó đi đến sự thống nhất giữa công ty và cộng đồng.

Những khó khăn, thách thức khác của Ecolife xuất phát từ bối cảnh khó khăn chung của doanh nghiệp xã hội Việt Nam. Hiện tại, ở Việt Nam chưa có một định nghĩa nào cụ thể về doanh nghiệp xã hội, Nhà nước cũng chưa hề có những ưu đãi nào riêng cho loại hình kinh doanh này. Các doanh nghiệp xã hội bên cạnh mục tiêu xã hội của mình vẫn phải duy trì hoạt động của mình dưới hình thức một doanh nghiệp bình thường với những trách nhiệm, nghĩa vụ về thuế, tài chính với Nhà nước mà không có sự hỗ trợ nào. Việc chuyển đổi hệ thống kế toán từ tổ chức phi chính phủ sang doanh nghiệp xã hội cũng là điều những tổ chức phi chính phủ Việt Nam phải cân nhắc nhiều khi quyết định chuyển đổi hình thức hoạt động. Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với những người lãnh đạo doanh nghiệp xã hội nói riêng và đối với toàn bộ doanh nghiệp xã hội đó nói chung. Bởi vậy trước những khó khăn này, nhiều tổ chức phi chính phủ cũng đã quyết định mở rộng hoạt động có thu của mình nhưng vẫn dựa trên cơ sở là tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, đối mặt với những khó khăn thách thức đó, tôi càng thấy sự dũng cảm của chị Huệ và chị Thu trong quyết định thành lập một doanh nghiệp xã hội riêng bên cạnh MCD. Theo hai chị, một doanh nghiệp xã hội riêng sẽ rõ ràng hơn trong hướng đi, trong việc phân chia, xác định chuỗi giá trị, cũng như tạo điều kiện chủ động khai thác các cơ hội kinh doanh cho công ty và cộng đồng, cộng đồng ven biển cũng vì thế mà có cơ hội hưởng lợi với tư cách là đối tác kinh doanh thực sự của Ecolife.

Hướng đi doanh nghiệp xã hội không phải là một con đường trải đầy hoa hồng, đó là một con đường chông gai và đòi hỏi phải có những người chèo lái quả cảm và đầy vững tin. Những bước đi đầu tiên là những bước đi khó khăn nhất nhưng chỉ là mở đầu cho một quá trình chông gai khác. Ecolife đã chứng tỏ được  hướng đi mạnh dạn của những người tiên phong và sự đúng đắn trên con đường của mình. Tuy nhiên, để doanh nghiệp này có thể bước đi xa hơn trên con đường đã chọn, cần phải có sự hỗ trợ quyết liệt hơn từ phía những cơ quan bảo trợ, đặc biệt là những kỹ năng mới và cơ hội kết nối với các nhà đầu tư xã hội.

Ngô Minh Trang

VTR