Hợp tác bảo vệ môi trường vùng ven biển

Cập nhật: 11/01/2012
Đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên và môi trường (TN&MT) biển, từ đó có những biện pháp dự báo, phòng tránh, thích ứng và giảm nhẹ tổn thất – đó là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong công tác bảo vệ và sử dụng bền vững TN&MT vùng ven biển.

Bãi biển Sa Huỳnh

Những năm qua, tốc độ phát triển của các ngành kinh tế dọc bờ biển  nước ta ngày càng cao. Tuy nhiên, vùng ven biển cũng là vùng dễ bị tổn thương do các hiện tượng tự nhiên cực đoan và hoạt động của con người như giao thông vận tải biển, khai thác khoáng sản dưới đáy biển, nuôi trồng thủy hải sản ven biển, trên biển, ô nhiễm từ đất liền, vùng công nghiệp, đô thị ven biển... Tất cả những hiện tượng này đều gây tác động tiêu cực đến môi trường, làm suy thoái hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng ven biển, ảnh hưởng đến sức khỏe và đe dọa tính mạng con người.

Các nghiên cứu về đánh giá tổn thương TN&MT biển tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ 20. Đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu theo các hướng tiếp cận khác nhau (vùng/khu vực, hệ thống tự nhiên – xã hội, cộng đồng, tài nguyên...) và ở các khu vực khác nhau. Các nghiên cứu đều dựa trên nguyên tắc chung về đánh giá tổn thương là xác định khả năng bị tổn thương của một hệ thống (tự nhiên, kinh tế - xã hội...) khi gặp phải những tai biến (tự nhiên, nhân tạo), xác định khả năng chống chịu, phục hồi của hệ thống và đề xuất các biện pháp giảm thiểu tổn thương. Nghiên cứu đánh giá tổn thương tại Việt Nam mặc dù mới được chú ý đến nhưng đã có rất nhiều dự án được triển khai bằng nguồn vốn trong và ngoài nước. Kết quả của những dự án đã và đang phục vụ thiết thực cho công tác đánh giá tổn thương tại Việt Nam. Điển hình là Dự án 2762 về “Điều tra, đánh giá mức độ tổn thương TN&MT, khí tượng thuỷ văn biển Việt Nam; dự báo thiên tai, ô nhiễm môi trường tại các vùng biển; kiến nghị các giải pháp bảo vệ” và một số dự án thuộc Chương trình 47 về xây dựng cơ sở dữ liệu TN&MT biển, điều tra cơ bản về khí tượng, thủy văn, TN&MT biển...

Mặc dù đã có nhiều đầu tư cho công tác đánh giá tổn thương TN&MT biển, nhưng còn nhiều mảng chưa được quan tâm đầu tư, có những mảng đã được đầu tư nhưng chưa đầy đủ hoặc chồng chéo. Do vậy, một mặt cần xác định rõ những mảng chưa được quan tâm đầu tư, từ đó tăng cường hợp tác với các nhà tài trợ nhằm điều phối hoạt động đầu tư sao cho việc sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, có trọng tâm, đạt được kết quả cao nhất. Hiện có nhiều dự án, chương trình về đánh giá tổn thương TN&MT biển đã và đang được thực hiện nhưng vấn đề đánh giá còn gặp nhiều khó khăn. Tuy cùng dựa trên một nguyên tắc, nhưng do tính rời rạc và đơn lẻ của các nghiên cứu, nên các yếu tố của một nghiên cứu đánh giá tổn thương còn chưa được đề cập đầy đủ. Bên cạnh đó, mỗi phương pháp hoặc cách tiếp cận khác nhau đòi hỏi dữ liệu đầu vào khác nhau và đưa ra các kết quả khác nhau (như đánh giá rủi ro môi trường, đánh giá tổn thương do biến đổi khí hậu, đánh giá tổn thương do ô nhiễm môi trường, đánh giá tổn thương tổng hợp). Điều này dẫn tới sự không thống nhất về định nghĩa đánh giá tổn thương TN&MT biển, khó khăn trong việc lựa chọn phương pháp đánh giá phù hợp và xây dựng các chuẩn dữ liệu một hệ thống phương pháp luận chung, đạt chuẩn quốc tế phục vụ công tác dự báo, phòng tránh, thích ứng và giảm nhẹ tổn thương...

 Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điều tra, đánh giá mức độ tổn thương TN&MT biển Việt Nam và dự báo thiên tai, ô nhiễm môi trường biển phải đặt trong tổng thể Chiến lược biển đến năm 2020, Chương trình nghị sự của Chính phủ Việt Nam về phát triền bền vững (Agenda 21); đồng thời phải phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị và định hướng của Chính phủ về đường lối, chính sách của Việt Nam… Hợp tác quốc tế nhằm tận dụng tối đa những kinh nghiệm, tri thức trong và ngoài nước; phát huy vai trò quan hệ quốc tế để kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân, các chuyên gia có uy tín  đóng góp vào việc bảo vệ TN&MT Việt Nam. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điều tra, đánh giá mức độ tổn thương TN&MT biển Việt Nam và dự báo thiên tai, ô nhiễm môi trường biển cần được thực hiện trên cơ sở kết hợp nội lực trong nước với các nguồn lực hỗ trợ từ nước ngoài, cả về tài chính và kỹ thuật. Dù ở dạng nào, viện trợ không hoàn lại, cho vay phát triển, viện trợ một phần, đều phải được sử dụng một cách hiệu quả theo đúng “Cam kết Hà Nội”...

Khoa Thanh

Nguồn: VTR