Phát triển tuyến du lịch biển đảo Vân Đồn - Cô Tô

Cập nhật: 16/01/2012
Huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) có khoảng 600 đảo lớn, nhỏ, có vịnh Bái Tử Long liền kề vịnh Hạ Long (596,7km2) với nhiều hang động tuyệt đẹp như hang Soi Nhụ, Hà Giắt, Nhà Trò, hang Quan, hang Đúc Tiền...

Và vườn quốc gia Bái Tử Long với nhiều bãi tắm đẹp, nước trong xanh, cát trắng mịn như bãi tắm Quan Lạn, Minh Châu. Cách đây hơn 600 năm, khi đi thị sát vùng đất Vân Đồn, Nguyễn Trãi đã mô tả cảnh núi non, biển nước vùng này: Lộ nhập Vân Đồn san phục san/Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan (Đường đến Vân Đồn lắm núi non/ Trời bày, đất đặt một kỳ quan).

Vân Đồn còn được biết đến bởi nguồn tài nguyên du lịch lịch sử, văn hóa phong phú: hang Soi Nhụ có di chỉ thời trung kỳ đồ đá mới, trước văn hóa Hạ Long; thương cảng Vân Đồn mở từ thời Lý Anh Tông năm 1149, là cảng ngoại thương phồn thịnh đầu tiên của nước ta, hoạt động hơn 4 thế kỷ, nay còn nhiều dấu vết ghi lại một thời lịch sử phát triển của ngoại thương Việt Nam.

Tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn của Vân Đồn khá phong phú, đa dạng được phân bố tại các điểm du lịch:

Điểm du lịch Cái Bầu: Cái Bầu là đảo lớn nhất thuộc vịnh Bái Tử Long, có bãi tắm dài 5km, cát trắng mịn, nước trong xanh; có hệ sinh thái rừng trên đảo và nhiều loài thực vật quý hiếm. Sản phẩm du lịch chủ yếu là tắm biển, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái khám phá rừng tự nhiên, du lịch tâm linh chùa Cái Bầu. Hiện nhiều công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà nghỉ, resort, bungalow, nhà sàn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí...

Điểm du lịch đảo Ngọc Vừng: tài nguyên du lịch nổi trội nơi đây là bãi tắm đẹp, hệ sinh thái rừng tự nhiên nguyên sinh, khu di tích tưởng niệm Bác Hồ. Đặc biệt, ở Ngọc Vừng có các mô hình nuôi trai lấy ngọc rất hấp dẫn du khách. Sản phẩm du lịch là nghỉ dưỡng, tắm biển, tham quan các mô hình trang trại, làng chài, nuôi trai lấy ngọc, du lịch sinh thái, cắm trại.

Điểm du lịch Quan Lạn: cụm di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật đình, chùa, nghè xã Quan Lạn cùng tồn tại với văn hóa lễ hội, hát nhà tơ, hát đám cưới, đặc biệt là hát cưới trên thuyền với lời ca và giai điệu trữ tình... Ở đây có hai bãi tắm cát trắng rất sạch, có thương cảng Vân Đồn được xây dựng từ thời nhà Lý. Ngư dân trên đảo có nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đã trở thành làng nghề truyền thống. Sản phẩm du lịch là lễ hội, nghỉ dưỡng, tắm biển, du lịch sinh thái, tham quan thương cảng cổ của người Việt. Đặc biệt, lễ hội Quan Lạn diễn ra vào trung tuần tháng 6 âm lịch hàng năm thu hút hàng vạn du khách.

Điểm du lịch Minh Châu: tài nguyên du lịch là rừng nguyên sinh Ba Mùn – trung tâm của vườn quốc gia Bái Tử Long, có bãi biển dài, cát mịn, rất thích hợp cho tắm biển, có các mô hình nuôi trồng thủy sản. Sản phẩm du lịch là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan.

Huyện đảo Cô Tô nằm giữa vịnh Bắc bộ, cách Vân Đồn khoảng 50km về phía Đông Bắc. Cô Tô có tài nguyên du lịch còn nguyên sơ và đặc biệt hấp dẫn: các bãi biển tự nhiên rất đẹp như Hồng Vàn, Vàn Chải...; rừng nguyên sinh với nhiều loài cây quý và động vật phù du phong phú. Đặc biệt, nơi đây có các loài sinh vật biển quý hiếm, có nguồn hải sản với trữ lượng lớn và mang giá trị cao như sá sùng, mực, hải sâm, cầu gai, bào ngư..., có các bãi san hô đẹp, có môi trường thích hợp cho nuôi trai lấy ngọc...

CẦN CÓ CHIẾN LƯỢC SỬ DỤNG HIỆU QUẢ CÁC NGUỒN LỰC

Để phát triển tuyến du lịch biển đảo Vân Đồn - Cô Tô nối với Hạ Long, chính quyền địa phương cần có chiến lược sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tập trung giải quyết tốt các vấn đề sau:

Cần xây dựng quy hoạch tổng thể toàn bộ vịnh Bái Tử Long và các điểm du lịch của huyện Vân Đồn; xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện đảo Cô Tô. Để thực hiện điều này, cần sự hiện diện của Tổng cục Du lịch và chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm chuyên sâu về quy hoạch các khu du lịch trên thế giới. Do đặc thù của biển đảo, các chủ đầu tư chỉ được giao đất, giao mặt nước khi quy hoạch tổng thể đã hoàn tất và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Khi thực hiện quy hoạch cần thận trọng, chặt chẽ, nghiêm túc chọn các đối tác có đủ năng lực, kinh nghiệm và nổi tiếng trong kinh doanh du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong phát triển các khu du lịch biển đảo.

Các bãi biển Cô Tô, Hồng Vàn, Vàn Chải cần được quy hoạch theo hướng hình thành những khu du lịch đồng bộ, hiện đại từ nhà hàng, khách sạn, bể bơi, vườn cảnh cho đến khu vui chơi giải trí phục vụ du khách cao cấp từ 4 - 5 sao, đảm bảo phù hợp với cảnh quan môi trường. Sớm quy hoạch, bảo vệ bãi san hô nằm giữa đảo Cô Tô và đảo Cô Tô con để biến khu vực này thành điểm du lịch lặn biển ngắm san hô trong tương lai.

Trong điều kiện chưa thể tổ chức du lịch quy mô lớn, ngành Du lịch cần mở các lớp tập huấn hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ người dân làm du lịch (xây dựng các nhà nghỉ bình dân, nhà hàng phục vụ ăn uống, vui chơi giải trí...). Đảo Cô Tô có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái, vì vậy, cần phải đặc biệt lưu ý tới phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững

Để rút ngắn khoảng cách địa lý, nên tăng cường đội tàu thủy chở khách giữa Vân Đồn - Quan Lạn, Vân Đồn - Cô Tô nhằm tăng số chuyến trong ngày, tăng công suất vận chuyển, rút ngắn thời gian tàu chạy, tăng cường mức độ an toàn, đảm bảo tiện lợi cho du khách.

Triển khai nhanh các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng: đường giao thông, sân bay, bến cảng, nhà máy điện, cấp nước ngọt; bưu chính viễn thông, bệnh viện, ngân hàng...; phát triển sản phẩm mới lạ mang tính lịch sử như các chiến thuyền, thương thuyền bằng gỗ thời cổ, những sản phẩm du lịch độc đáo vùng Đông Bắc Tổ quốc. Các dự án phát triển du lịch phải kết hợp chặt chẽ với chiến lược quốc phòng, an ninh biển đảo.

Mở chiến dịch quảng bá gọi vốn đầu tư trong và ngoài nước, mở rộng liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài dưới nhiều hình thức thích hợp.

Đồng thời, tăng công tác kiểm tra, giám sát chống mọi hoạt động phá vỡ quy hoạch, phá vỡ môi trường, xâm hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Công tác kiểm tra, giám sát không gây cản trở mà luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư phát triển lâu dài.

Phát triển du lịch biển đảo là một thế mạnh nổi trội của Quảng Ninh. Bởi vì các đảo trên biển ở Quảng Ninh chiếm gần 80% đảo trên biển Việt Nam và được thiên nhiên ban tặng những kỳ quan tuyệt tác. Để biến tiềm năng du lịch thành hiện thực, chính quyền địa phương phải có chiến lược sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn lực: tài nguyên thiên nhiên, vốn, lao động, khoa học công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế tranh thủ sức mạnh về vật chất và tri thức của các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà kinh doanh du lịch có năng lực, trình độ và kinh nghiệm trên thế giới trên cơ sở các chính sách quản lý chặt chẽ của nhà nước.

Nguồn: VTR