Thừa Thiên – Huế phát triển du lịch bền vững

Cập nhật: 12/01/2012
Tỉnh Thừa Thiên - Huế từ lâu đã được xác định là một trong những trung tâm du lịch văn hóa quan trọng của nước ta. Tài nguyên du lịch của Thừa Thiên - Huế tương đối đa dạng, phong phú, nổi bật và có giá trị hơn cả là các tài nguyên văn hóa đặc sắc, độc đáo; trong đó, có không ít những di sản văn hóa vật thể tầm cỡ quốc gia và quốc tế có sức thu hút rất lớn đối với khách du lịch.

SỨC HẤP DẪN CỦA DU LỊCH HUẾ

Các di sản văn hóa Huế vừa hội tụ những đặc trưng, những tinh hoa của văn hóa dân tộc, vừa thể hiện những nét riêng có của một vùng văn hóa truyền thống; được đánh giá là “đỉnh cao của sức sáng tạo Việt Nam”. Không những mang ý nghĩa về mặt lịch sử văn hóa, mà nhiều di tích ở Huế còn là những tác phẩm kiến trúc nghệ thuật vô giá, có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà nghiên cứu; du khách tham quan trong và ngoài nước.

Huế cũng là nơi duy nhất ở nước ta hiện còn lưu giữ được những di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, độc đáo như các loại hình nghệ thuật, âm nhạc, ca múa cung đình Huế; ẩm thực, các hoạt động lễ hội và hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống, phong tục tập quán... đặc sắc mà trong mỗi loại hình đều có sự gắn bó, hòa nhập giữa văn hóa cung đình và văn hóa dân gian.

Tất cả yếu tố đó là nguồn tài nguyên du lịch vô giá, tạo nên những sản phẩm du lịch văn hóa - thế mạnh không chỉ của riêng Thừa Thiên - Huế mà còn có ý nghĩa đối với sự phát triển của Du lịch Việt Nam.

Với thế mạnh về các tài nguyên du lịch văn hóa, Thừa Thiên - Huế có tốc độ tăng trưởng cao so với cả nước trong hoạt động du lịch. Nếu như tốc độ tăng trưởng bình quân toàn Ngành đạt 10 - 11%/năm, thì Thừa Thiên - Huế có tốc độ tăng trưởng bình quân 15 - 17%/năm về lượt khách. Theo thống kê, số lượt khách đến Huế với mục đích tham quan, tìm hiểu lịch sử văn hóa, hay đơn giản là chỉ đến để tận mắt chiêm ngưỡng một di sản thế giới chiếm tới gần 80% tổng lượt khách du lịch. Điều này chứng minh được giá trị và sức hấp dẫn của di sản Huế, đồng thời đây cũng là thước đo và căn cứ để ngành Du lịch có kế hoạch lâu dài trong phát triển sản phẩm, nhằm phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15 - 17%/năm về lượt khách trong giai đoạn 2011 – 2015. Mục tiêu cụ thể được đề ra là đến năm 2015 ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế sẽ đón và phục vụ 2,5 triệu lượt khách, trong đó có từ 01 - 1,2 triệu lượt khách quốc tế.

Sự phát triển của ngành Du lịch đã thúc đẩy sự gia tăng, mở rộng của các ngành khác như: góp phần đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ hàng nông phẩm, thủy sản; từng bước phục hồi các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Huế; tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động...

CẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN DU LỊCH

Mặc dù du lịch văn hóa ở Thừa Thiên - Huế đang được coi là thế mạnh nhưng vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế. Các sản phẩm du lịch văn hóa đã mang sắc thái riêng, độc đáo nhưng chưa thực sự phong phú về mặt nội dung, đồng bộ về mặt chất lượng. Tài nguyên nhân văn của Thừa Thiên - Huế tương đối đa dạng nhưng chỉ mới khai thác được một phần nhỏ phục vụ du lịch, chủ yếu là các điểm tham quan thuộc quần thể di tích cố đô Huế; vẫn còn một phần rất lớn các di tích lịch sử cách mạng, các di tích tầm cỡ quốc gia đã được xếp hạng nhưng chưa được khoanh vùng bảo vệ, đầu tư tôn tạo thỏa đáng để thực sự trở thành các điểm du lịch hấp dẫn. Mối quan hệ giữa ngành Du lịch và văn hóa trong việc bảo vệ và khai thác các tài nguyên phục vụ du lịch chưa chặt chẽ... Sự phát triển du lịch quá nhanh đã bắt đầu bộc lộ một số tác động tiêu cực mặc dù phạm vi và mức độ của nó chưa đến mức báo động.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý khai thác tài nguyên văn hóa phục vụ phát triển du lịch, trong chiến lược phát triển, ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế đã lựa chọn định hướng phát triển du lịch bền vững: phát huy thế mạnh du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái trên cơ sở khôi phục, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa truyền thống Huế với các quan điểm chủ đạo sau đây:

Khai thác các tài nguyên văn hóa phục vụ du lịch phải gắn liền với công tác bảo tồn tính đa dạng, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử - văn hóa; hay nói cách khác, phát triển du lịch phải vì mục tiêu văn hóa. Đồng thời, việc bảo tồn di tích phải hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn các đối tượng đến tham quan nghiên cứu, trong đó có khách du lịch.

Phát triển du lịch phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, phải tính đến mối liên hệ giữa phát triển du lịch với việc bảo vệ môi trường và phát triển văn hóa - xã hội của địa phương.

Phát triển du lịch văn hóa chú trọng chất lượng hơn là số lượng “vì một nền du lịch chất lượng hơn là một nền du lịch số đông...”.

Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương vào các hoạt động bảo tồn di tích và phát triển du lịch văn hóa.

Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là cần nhận thức đầy đủ về di sản Huế. Huế không đơn thuần là một địa danh về mặt địa lý, mà Huế là một địa danh văn hóa, là tên gọi của một vùng văn hóa. Di sản Huế không chỉ có những thành quách, cung điện, lăng tẩm, đình chùa, mà còn có cả những giá trị lịch sử cách mạng, một kho tàng văn hóa phi vật thể khổng lồ. Sự phong phú, đa dạng và độc đáo của di sản Huế đòi hỏi phải có cách nhìn và cách ứng xử công bằng, khách quan cho từng loại giá trị để tiếp tục bảo tồn và phát huy chúng. Và điều không ai phủ nhận được đó là sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản Huế không chỉ thuộc về các cơ quan chuyên môn và quản lý mà còn là trách nhiệm người dân Huế, thông qua họ mà những cái hay, cái đẹp của văn hóa đến được với đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên - Huế, việc đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác các giá trị của di sản Huế là việc làm cấp thiết. Hơn thế nữa, du lịch không chỉ đơn thuần là một hoạt động kinh tế, nó còn mang nội dung nhân văn và xã hội sâu sắc, có thể thông qua hoạt động du lịch để truyền thụ kiến thức, giáo dục truyền thống và góp phần nâng cao dân trí. Để thực hiện được chức năng này, việc tổ chức, đào tạo cho những người cung cấp sản phẩm du lịch, hướng dẫn viên và xây dựng cơ chế chính sách nhằm huy động mọi nguồn lực, huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của di sản Huế phải được xem là một nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của các cấp chính quyền./.

Nguồn: vtr.org.vn