Du lịch địa chất là lĩnh
vực mới mẻ nhưng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của ngành
du lịch. Việt Nam có nhiều khu vực giàu di sản địa chất, có thể xây dựng thành
sản phẩm du lịch thu hút khách. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tài nguyên này chưa
được đánh giá và khai thác phát triển xứng với tiềm năng.
Hãy tưởng tượng trong chốc
lát hình ảnh một Việt Nam không có các hòn đảo đá vôi đồ sộ với dốc đá dựng đứng
ở vịnh Hạ Long, không có các thung lũng bậc thang ở vùng núi Sa pa, không có bãi
biển cát trắng tràn đầy sức sống kéo dài từ Đà Nẵng đến Nha Trang. Một đất nước
bị tước đoạt những khung cảnh địa chất ngoạn mục mà chính nó tạo nên những đặc
điểm quốc gia đặc trưng góp phần thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, không thể
là đất nước Việt Nam.
Du lịch địa chất là loại
hình du lịch bền vững, mang tính giáo dục, và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa
phương có liên quan, đã được áp dụng từ lâu ở Việt Nam dưới nhiều hình thức
khác nhau. Công viên địa chất nổi lên như là một loại hình mới trong lĩnh vực du
lịch địa chất, mở ra một kỷ nguyên mới của trách nhiệm xã hội và du lịch thân
thiện với môi trường Việt Nam. UNESCO và Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu
đang hỗ trợ sự phát triển các công viên địa chất trên toàn thế giới, và chúng
tôi rất vui mừng chứng kiến Việt Nam tham gia mạng lưới này.
Công viên địa chất thúc đẩy
một mô hình bảo vệ tích hợp giữa bảo tồn các đặc điểm và di sản địa chất nổi
bật, đồng thời khuyến khích các cơ hội giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội.
Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (nằm ở phía bắc tỉnh Hà Giang) đã
được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu đầu tiên của Việt Nam và thứ hai
của khu vực Đông Nam Á, có thể trở thành một mô hình khu vực cho các hoạt động
đó bằng cách lôi kéo sự tham gia của cộng đồng cư dân địa phương (bao gồm 17
nhóm các dân tộc thiểu số khác nhau) vào hoạt động du lịch địa chất, phát triển
sản phẩm địa phương và cung cấp dịch vụ dành cho du khách. Công viên địa chất
có thể đem lại lợi ích cho cả cộng đồng địa phương và du khách thông qua trao
đổi giáo dục văn hóa và nghiên cứu khoa học, từ đó có những biện pháp kích
thích kinh tế phù hợp nhất cho các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương sống ở các
khu vực miền núi.
Cộng đồng quốc tế đang ngày
càng nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải bảo vệ các di sản địa chất chung của
toàn nhân loại, hoặc các khu vực địa chất có giá trị khoa học, giáo dục, văn hóa
và thẩm mỹ, công viên địa chất sẽ trở thành một đặc điểm phổ biến chung cho toàn
khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, một số khu dự trữ sinh quyển, di sản thiên nhiên
thế giới đã được công nhận về mặt giá trị tự nhiên cũng rất có tiềm năng phát
triển và hưởng lợi từ du lịch địa chất.
Vườn quốc gia Phong Nha -
Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình ở miền Trung Việt Nam đã được UNESCO công nhận là
Di sản Thiên nhiên thế giới vào năm 2003. Việc phát hiện ra hang động lớn nhất
thế giới năm 2009 tiếp tục làm nổi bật các giá trị di sản địa chất có nguồn gốc
kiến tạo đá vôi dạng karst đáng kinh ngạc của khu vực. Khu dự trữ sinh quyển Cát
Bà, một quần đảo gồm 366 đảo, và vịnh Hạ Long là những ví dụ điển hình của sự
thành tạo núi đá vôi với dạng karst fengcong và fenglin nổi lên từ biển rất độc
đáo. Từ điểm cực bắc của Hà Giang đến mũi cực nam của Cà Mau (đồng thời là khu
dự trữ sinh quyển Cà Mau), Việt Nam tự hào sở hữu phong phú các di sản địa chất
trên khắp đất nước.
Tài nguyên thiên nhiên
phong phú tạo cơ hội đa dạng cho việc mở rộng du lịch địa chất tại Việt Nam. Đã
có nhiều bài học ghi nhận từ Trung Quốc, quốc gia có số lượng lớn các công viên
địa chất cấp toàn cầu và quốc gia. Du lịch địa chất đã tạo ra sự kích thích đáng
kể góp phần đẩy mạnh nền kinh tế của các khu vực, nâng cao nhận thức về khoa
học, bảo tồn của các du khách và cộng đồng địa phương. Các quốc gia Tây Âu đã
thiết lập một mạng lưới công viên địa chất hoạt động mạnh mẽ trong khu vực, hỗ
trợ tăng trưởng lẫn nhau thông qua trao đổi khoa học và hội nghị. Tương tự như
vậy, Việt Nam, với vai trò nổi bật gần đây là quốc gia chủ nhà tổ chức Hội nghị
mạng lưới công viên địa chất khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ hai, rất
có tiềm năng trở thành quốc gia đóng vai trò xúc tiến, quốc gia sáng lập cho sự
phát triển công viên địa chất và du lịch địa chất trong khu vực.
Du lịch tại Việt Nam phát
triển nhanh chóng trong thập kỷ qua và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi du
khách quốc tế khám phá sự phong phú các di sản thiên nhiên và văn hóa của đất
nước. Mặc dù sự tăng trưởng được dự đoán chắc chắn này sẽ đem lại nhiều cơ hội
cho phát triển kinh tế địa phương, nhưng ảnh hưởng của sự tăng trưởng đột ngộ
cũng có thể mang lại thách thức đối với bảo tồn di sản.
Như vậy, du lịch nói chung
phải được quản lý theo cùng một nguyên tắc phát triển bền vững như với du lịch
địa chất nói riêng, nghĩa là các tiến bộ trong phát triển kinh tế phải đi đôi
với bảo tồn sức khỏe môi trường. Với những ý tưởng đã bước đầu hình thành, du
lịch , và đặc biệt là du lịch địa chất, có thể mang lại cho Việt Nam, sự công
nhận như một quốc gia hình mẫu trong khai thác thiên nhiên.
Katherine Muller – Marin
Trưởng đại diện UNESCO tại
Việt Nam
Trưởng Văn phòng UNESCO Hà
Nội