Du lịch với rác và muối
Theo Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) cho biết: cát, muối, rác đều là những tài nguyên có thể mng lại lợi ích lâu dài cho phát triển du lịch biển, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao, hấp dẫn từ biển mà không làm tổn hại các nguồn tài nguyên khác. Đáng tiếc là Việt Nam vẫn chưa coi đây là tài nguyên du lịch và có cách khai thác hợp lý".
Việt Nam có đường bờ biển kéo dài, nhiều bãi tắm tuyệt đẹp với cát vàng óng ánh, mịn màng, nhất là tại khu vực miền Trung. Tuy nhiên, từ bao năm qua, sản phẩm du lịch từ cát vẫn cứ nghèo nàn, đơn điệu, chủ yếu là các hoạt động như tắm biển, phơi nắng, thể thao trên cát, trượt cát, xây lâu đài cát...
Gần đây có thêm sản phẩm lưu niệm từ tranh cát thiên nhiên. Trên thực tế, có thể sử dụng cát để làm thành nhiều sản phẩm hơn nữa như xây dựng khu nghỉ dưỡng chữa bệnh như vùi mình trong cát chữa bệnh về cơ và da, spa...
Theo Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững, muối cũng là nguồn tài nguyên nổi trội của biển nước ta, nhưng người dân ven biển vẫn không thể sống bằng nghề muối vì giá muối quá rẻ, thậm chí đã có lúc Việt Nam còn phải nhập khẩu muối từ nước ngoài. Người Việt Nam vẫn chỉ nhìn nhận muối là một loại gia vị.
Nhưng trên thực tế muối và các sản phẩm từ muối có thể khai thác để tạo thành sản phẩm du lịch độc đáo, có giá trị hàng hóa cao. Các khu du lịch với muối đã được nhiều nước trên thế giới khai thác hiệu quả như các ma trận muối, hang động, trượt muối, bảo tàng muối, lễ hội muối hay nhiều sản phẩm ẩm thực, nghỉ dưỡng - chữa bệnh (khách sạn muối, biệt thự muối, vườn thiền muối)...
Rác thải từ các bãi biển, một vấn đề gây bức bối tại các bãi biển hiện nay, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa phá vỡ cảnh quan du lịch cũng có thể tận dụng để trở thành tài nguyên tái sinh, phục vụ phát triển du lịch. Các nhà khoa học từ STDe đã chỉ ra giá trị du lịch từ rác với các sản phẩm tạo hình tái sinh từ rác, vật liệu xây dựng và cả công viên tái sinh trên biển...
Cần nhà đầu tư
Trước khi đưa ra dự án sản phẩm du lịch với cát, muối và rác, STDe đã đưa ra ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch từ thiên tai (mưa, bão, lụt) ở miền Trung và được các địa phương ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) hết sức ủng hộ và mong muốn được hợp tác sớm triển khai thực tế.
"Ý tưởng sẽ mãi là ý tưởng, dù có hay đến đâu cũng sẽ bị lãng quên nếu không được triển khai trên thực tế. Nhà khoa học cứ nghiên cứu, vẽ kế hoạch trên giấy còn người kinh doanh cứ làm việc trên cơ sở tài nguyên sẵn có mà ít chịu để ý tìm hiểu, đầu tư cho dự án nghiên cứu sản phẩm mới trong nước hoặc mua các ý tưởng từ nước ngoài. Đó là sự lãng phí chất xám vô cùng lớn và thu hẹp nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có của nước ta", bà Hạnh nói.
Chính vì thế, STDe cũng mong muốn các ý tưởng độc đáo này sớm được triển khai trên thực tế, góp phần thay đổi tư duy làm du lịch của người Việt khi khai thác những nguồn tài nguyên tưởng như đã cũ hoặc không coi là tài nguyên như rác. Đó chính là cách thức khai thác tài nguyên, phát triển du lịch bền vững, độc đáo hấp dẫn và đề cao những giá trị văn hóa tinh thần của người Việt.
Theo đánh giá từ nhóm các nhà nghiên cứu của STDe, các ý tưởng xây dựng sản phẩm du lịch từ cát, muối hoàn toàn có thể triển khai ở các khu du lịch biển nước ta bởi đầu tư không quá lớn và không đòi hỏi công nghệ quá cao. Với rác, ở nước ta từ lâu vốn đã diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi sản phẩm tái sinh đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp sản xuất vì hàng hóa đều là tái chế, đầu tư ít, lợi nhuận cao, tiết kiệm nguyên liệu...
Một công viên rác hay công viên tái sinh trên biển thực sự thì ở Việt Nam là hoàn toàn mới mẻ. Tuy nhiên, để làm được điều này cần sự bắt tay hưởng ứng không chỉ của doanh nghiệp mà còn cần sự vào cuộc của các nhà khoa học chuyên ngành xử lý chất thải để biến rác thải từ các bãi biển thành công viên.
Ý tưởng đưa ra bởi STDe về công viên tái sinh trên biển là công viên nằm trên các bãi biển, được xây dựng từ chính nguồn vật liệu... rác. Rác thải thu gom được tại các bãi biển sẽ được phân loại để sử dụng trong công viên tái sinh, chủ yếu chọn chất thải rắn, khó phân hủy hoặc không phân hủy được (gỗ, nhựa, thủy tinh, kim loại...).
Sau khi phân loại, rác được làm sạch và đưa vào sản xuất ra các sản phẩm trong các xưởng tái sinh bằng phương pháp thủ công kết hợp với máy móc đơn giản. Ví dụ như ta có thể cải tạo một chiếc xe bus hỏng thành một quán cà phê sát bờ biển hoặc dùng vỏ thùng sơn làm ghế ngồi, các cành cây khô hoặc lốp xe hỏng có thể làm thành các tác phẩm tạo hình...