Thời gian lễ hội còn dài, lượng khách còn tăng nên không được phép lơ là, chủ quan

Cập nhật: 06/02/2012
Ngày 2/2, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh, các Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn và Lê Khánh Hải dẫn đầu ba đoàn công tác của Bộ tiếp tục đi kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại Chùa Hương; Đền Sóc Sơn (Hà Nội); Đền bà Chúa Kho, Đền Đô, Hội Lim (Bắc Ninh), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).

Theo đánh giá chung, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại những nơi đoàn kiểm tra đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, làm việc với chính quyền địa phương và BTC lễ hội, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng như các đồng chí lãnh đạo Bộ nhấn mạnh: Thời gian lễ hội còn dài, lượng khách còn tăng nên không được phép lơ là, chủ quan. 

Tại chùa Hương

Sáng sớm ngày 2/2, dưới làn mưa khá nặng hạt, Đoàn công tác của Bộ VHTTDL do Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh làm Trưởng đoàn đã “vi hành” kiểm tra các hoạt động trong lễ hội chùa Hương.

Từ bến Yến, Đoàn công tác đã gặp gỡ nhiều đối tượng khác nhau như người lái đò, viết sớ, nhóm dịch vụ đổi tiền lẻ.... Gần như những đối tượng này không ai biết đây là Đoàn kiểm tra nên đã trả lời rất thật. Đơn cử, khi hỏi nhóm dịch vụ đổi tiền lẻ thì họ trả lời, “mệnh giá nhỏ thì mười ăn bảy, mệnh giá lớn thì mười ăn chín”. Hỏi vài người lái đò, “Một người đi vào, ra giá bao nhiêu tiền”, không ngần ngại họ đáp, “35.000đ/người. Các bác thấy em vận chuyển an toàn thì các bác bồi dưỡng cho em thêm một ít”.

Tại một điểm kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ cạnh bến Yến (chùa Hương), Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh yêu cầu cơ quan chức năng có biện pháp tuyên truyền để người dân sử dụng đồng tiền theo đúng khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước VN trong các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng

Vào trong sân Thiên Trù, Đoàn công tác đã vào nhiều dịch vụ hàng quán ăn uống và chỗ nghỉ qua đêm thì nhận thấy cơ bản đều tổ chức gọn gàng, sạch sẽ và vệ sinh. Dọc tuyến từ Thiên Trù lên động Hương Tích, dù hàng quán có nhiều hơn so với mọi năm nhưng được tổ chức, sắp xếp khá quy củ, tạo điều kiện cho khách hành hương đi lại thuận lợi. Việc người dân tự ý xả rác xuống đường, sân Động đã giảm hẳn. Vào khu vực trong Động, Đoàn nhận thấy hầu như du khách đều thành kính, giữ trật tự và không có biểu hiện chen lấn, xô đẩy khi làm lễ.

Trong buổi làm việc với nhà chùa, Ban tổ chức lễ hội và Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn ngay sau khi kiểm tra, Đại đức Thích Minh Hiền, Trụ trì chùa Hương cho biết: Nhiều tăng ni, phật tử sau khi tham quan, trẩy hội và hành lễ có vào thăm hỏi nhà chùa và họ đều có chung nhận định, công tác quản lý, tổ chức lễ hội chùa Hương năm sau tiến bộ hơn năm trước.

“Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, nếu xảy ra điều gì đó chắc cũng khó tránh khỏi. Nhưng không hiểu sao có một vài bài báo cứ phản ánh một vài hiện tượng chưa tốt mà không nói tới mặt tốt của lễ hội. Nhà chùa khẳng định có nhiều phóng viên không hề vào dự lễ mà vẫn cứ viết điều này điều khác”, Đại đức Thích Minh Hiền nói.

Thay mặt Đoàn công tác, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Ban tổ chức, Ban quản lý di tích và nhà chùa trong việc quản lý, tổ chức để lễ hội chùa Hương ngày một tốt hơn.

Bộ trưởng và Đoàn công tác kiểm tra tại một điểm dịch vụ viết sớ

Qua kiểm tra, Đoàn nhận thấy việc quản lý, tổ chức lễ hội chùa Hương năm nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể như quy hoạch dịch vụ hàng quán đã ngăn nắp, trật tự hơn; công tác giữ gìn vệ sinh, môi trường trong, ngoài khu vực nội tự cũng như cảnh quan, không gian di tích được tăng cường và sạch sẽ; đã làm rất tốt việc đảm bảo ANTT, không để xảy ra sự cố dù nhỏ và không xuất hiện những người ăn xin, đánh bạc; việc đốt tiền vàng địa phủ đã có giảm; nạn rải tiền lẻ, giắt tiền giọt dầu lên mâm lễ vẫn còn nhưng đã được hạn chế so với những năm trước, và không có biểu hiện hoạt động mê tín dị đoan... “Có được kết quả này là do sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng địa phương; là do sự phối hợp rất hiệu quả giữa Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích, nhà chùa và các lực lượng chức năng.

Đồng thời, Ban tổ chức cũng như các cơ quan có liên quan đã có những dự báo, và lường trước được những vấn đề có thể nảy sinh cho nên đến thời điểm này chưa xảy ra sự cố nhỏ nào. Đây là điểm cần được biểu dương”, Bộ trưởng cho biết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý, thời gian diễn ra lễ hội còn dài, lượng khách thập phương sẽ về trẩy hội còn đông nên các cấp chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng, nhất là Ban tổ chức không được lơ là, chủ quan và kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý những biểu hiện tiêu cực, biến tướng trong hoạt động lễ hội.

Một trong những giải pháp quan trọng, kiên trì và thường xuyên là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên nhiều hình thức về giá trị, ý nghĩa của khu thắng cảnh nổi tiếng này; tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh nơi lễ hội và nội quy của Ban tổ chức để người dân nâng cao ý thức khi tham gia hoạt động lễ hội.

Bộ trưởng gợi ý, khi bán vé thắng cảnh cho du khách thì Ban tổ chức kẹp vào đó tờ gấp để tuyên truyền về những hành vi bị cấm và bị xã hội lên án trong hoạt động lễ hội. Thêm nữa, hiện nay trong khu vực di tích có hàng ngàn người dân làm dịch vụ phục vụ du khách thập phương. Đây là lực lượng rất hùng hậu trong công tác tổ chức tuyên truyền.

Vì vậy, Ban tổ chức bằng những hình thức thiết thực để làm sao mỗi người làm dịch vụ nơi đây trở thành tuyên truyền viên trong việc nhắc nhở du khách giữ gìn vệ sinh, môi trường và nếp sống văn minh nơi lễ hội. Cần nghiên cứu để tổ chức, sắp xếp một số dịch vụ, hàng quán hợp lý hơn nhằm đảm bảo cảnh quan, không gian của di tích.

Một vấn đề quan trọng khác được Bộ trưởng nhấn mạnh và đặc biệt lưu ý đối với Ban tổ chức và chính quyền địa phương là hiện nay trên 4.500 xuồng đò phục vụ du khách không có phao cứu sinh. Ông đề nghị, trong một, hai ngày tới Ban tổ chức và chính quyền địa phương cần chuẩn bị phao cứu sinh và mỗi xuồng đò ít nhất có từ hai cái trở lên. Sau cùng, Bộ trưởng yêu cầu Ban tổ chức cứ sau một tháng diễn ra lễ hội cần tổ chức sơ kết, đánh giá và rút kinh nghiệm để từ đó làm tốt hơn công tác quản lý, tổ chức lễ hội chùa Hương. Nguyễn Hòa-ảnh Trần Huấn

Người đi lễ Đền bà Chúa Kho

Tại Bắc Ninh, Bắc Giang

Cùng ngày Đoàn công tác do Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại đền Bà Chúa Kho, đền Đô, hội Lim (Bắc Ninh) và chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).

Có mặt tại khu vực di tích chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), Đoàn công tác ghi nhận nơi đây cảnh quan không gian di tích trong và ngoài khu vực nội tự được đảm bảo; vệ sinh môi trường phong quang sạch đẹp; trên các ban thờ không có hiện tượng giắt tiền lên trên mâm lễ, tay Phật...

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Giang về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức lễ hội, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đánh giá cao công tác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn kiểm tra tại đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), một trong những “điểm nóng” của lễ hội phía Bắc

Ông lưu ý, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giám sát việc thực hiện công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động lễ hội.

Đề cập đến Đề án bảo tồn phát huy văn hoá các DTTS Việt Nam đến năm 2020, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần có cơ quan thường trực triển khai và quan tâm đến công tác bảo tồn văn hoá các DTTS.

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng cũng gợi ý cho các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ cần nghiên cứu chọn tỉnh Bắc Giang là địa phương làm mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần nghiên cứu xây dựng tuyến điểm du lịch với khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh), mà điểm đầu là chùa Vĩnh Nghiêm vì xưa kia nơi đây là một trong những điểm dừng chân đầu tiên của Phật hoàng Trần Nhân Tông-người sáng lập thiền phái Trúc Lâm- Yên Tử.

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn và đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại đền Bà Chúa Kho, hội Lim, đền Đô (tỉnh Bắc Ninh). Tại đây mọi hoạt động từ đi lại, mua bán đồ lễ đến gửi xe đều diễn ra rất trật tự và thông suốt. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay BQL Đền đã bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng giao thông một cách chu đáo nên không xảy ra hiện tượng ùn tắc.

Lực lượng an ninh luôn túc trực ở các “điểm nóng”, kịp thời nhắc nhở mọi người đi lại theo đúng chỉ dẫn, đề phòng trộm cắp. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại như công tác vệ sinh môi trường chưa được tốt, vẫn còn nhiều rác như túi ni lông, hoa, vỏ bánh kẹo vứt bừa bãi, tiền giọt dầu ném vào hậu cung quá nhiều.

... và kiểm tra tại di tích chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)

Kiểm tra tại hội Lim và di tích đền Đô, Đoàn công tác nhận thấy, tại hội Lim, trước chính hội một ngày nhưng vẫn còn nhiều hàng quán bán đồ ăn, đồ chơi, đồ lễ bày bán dọc hai bên đường. Tuy nhiên cũng phải ghi nhận những cố gắng của Ban tổ chức, tính đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội như kiểm tra mặt bằng quy hoạch lễ hội, trang trí tuyên truyền, an ninh trật tự, vệ sinh công cộng… đã hoàn tất. BCĐ đã duyệt makét sân khấu, panô, chương trình, tờ rơi, sơ đồ hội Lim, chòi hát Quan họ, lán thơ. Các trò chơi dân gian truyền thống vẫn sẽ được BTC lễ hội duy trì, xác định đó là phần không thể thiếu của không gian hội Lim.

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn ghi nhận những kết quả đã đạt được trong việc triển khai, chỉ đạo, quản lý lễ hội của tỉnh Bắc Ninh năm 2012. Thứ trưởng lưu ý việc thiết lập kỷ lục 2012 người mặc trang phục quan họ và hát chung một bài quan họ, nếu không thấy lãng phí thì nên làm nhằm góp phần tôn vinh di sản văn hoá. Hoàng Nguyên

Tại đền Sóc Sơn

Cũng trong ngày 2/2, Đoàn công tác do Thứ trưởng Lê Khánh Hải làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra công tác tổ chức, quản lý lễ hội tại Đền Sóc Sơn (Hà Nội).

Báo cáo với Thứ trưởng Lê Khánh Hải tại buổi làm việc với UBND huyện Sóc Sơn và Trung tâm Quản lý khu Du lịch - Di tích Đền Sóc Sơn (Trung tâm QL khu DL-DT) sau khi Đoàn công tác tiến hành kiểm tra các công tác quản lý, tổ chức, VSMT, ANTT, bố trí các ki ốt kinh doanh tại Đền Sóc Sơn, ông Nguyễn Văn Lâm, giám đốc Trung tâm QL khu DL-DT cho biết, tính từ ngày 23.1 (tức mùng 1 Tết) đã có trên 5 vạn lượt du khách hành hương và tham dự lễ hội. Đặc biệt trong ngày khai hội (mùng 6 tháng Giêng) đã có hơn 3 vạn lượt khách tham dự.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải kiểm tra việc giắt tiền, đồ vàng mã, đồ cúng lễ tại chính điện đền Sóc Sơn

Công tác giữ gìn sự trang nghiêm, linh thiêng nơi thờ tự được thực hiện nghiêm túc, không để du khách thắp hương trong các đền, không có hiện tượng cúng thuê gây mất trật tự, hiện tượng đốt vàng mã giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, các hiện tượng mê tín dị đoan được ngăn chặn tuyệt đối, không có hiện tượng xem bói, xóc thẻ, đồng bóng. Các ki ốt bán hàng được bố trí cách xa khu vực cửa Đền, nghiêm cấm các hoạt động kinh doanh buôn bán trong khu vực di tích, hiện tượng cờ bạc trá hình được ngăn chặn từ khi mới hình thành, không có hiện tượng trấn lột, móc túi, trộm cắp tài sản du khách.

Công tác ANTT, VSMT, y tế được bố trí, phân công cụ thể, chi tiết cho nên trong thời gian diễn ra lễ hội chưa xảy ra trường hợp nào đáng tiếc. Tuy nhiên, trong phần lễ rước trầu cau của thôn Đan Tảo, xã Tân Minh, sau khi vừa tế xong chính những người đi hộ giá kiệu đã cướp lễ ngay tại sân Rồng Đền Thượng dẫn tới lộn xộn khi hành lễ. Một số điểm trông giữ xe tự phát của người dân chưa quản lý được nên vẫn có hiện tượng mất xe, mất tài sản để trong xe và tăng giá trông xe.

Người đi lễ Đền Sóc Sơn

Thứ trưởng Lê Khánh Hải đánh giá cao công tác quản lý, tổ chức lễ hội Đền Sóc Sơn. Các đơn vị, bộ phận trong Ban tổ chức, quản lý lễ hội đã có sự phối hợp chặt chẽ, hạn chế tối đa những hành vi gây rối, phiền hà du khách khi hành hương và tham gia lễ hội.

Kịp thời tuyên truyền bằng các phương tiện truyền thông đại chúng đến du khách, không để xảy ra tình trạng mê tín, dị đoan, nhét tiền vào tay tượng Phật, bẻ cây, bẻ cành trong khu vực Đền.

Công tác ANTT, VSMT trong khu vực Đền được đảm bảo, hàng quán ki ốt được bố trí khoa học hợp lí. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cũng yêu cầu Ban tổ chức lễ hội có biện pháp ngay với miệng giếng tại khu vực Đền Mẫu do vẫn có nhiều du khách nhét tiền xuống giếng.

Các hòm bằng nhựa mi ca trong để du khách để tiền giọt dầu phải dán kín các mặt tránh gây phản cảm cho du khách. Các ghế đá do du khách thập phương cung tiến phải di chuyển đến các vị trí không gian thích hợp, không để ở những nơi cửa Đền thường xuyên tập trung nhiều du khách, gây ách tắc và mất vệ sinh khi du khách ngồi ăn uống, nghỉ ngơi.

Tạ Dũng-ảnh Ngọc Năm

 

 

 

Nguồn: Báo Văn hóa