Tiếp tục triển khai dự án bảo tồn Sao La tại vùng rừng giáp ranh giữa Thừa Thiên-Huế và tỉnh Quảng Nam, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức xây dựng trạm bảo vệ rừng Tây Sao La và Trạm bảo vệ rừng A Tép (tại tiểu khu 350 và tiểu khu 353 xã Hương Nguyên, huyện A Lưới) thuộc Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên-Huế.
Đây là hoạt động nằm trong phạm vi dự án "Dự trữ cácbon và bảo tồn đa dạng sinh học rừng" do Bộ Môi trường, Bảo tồn, An toàn của Đức tài trợ thông qua tổ chức WWF.
Theo ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên-Huế hiện quản lý, bảo vệ 12.153 ha rừng đặc dụng, thuộc 11 tiểu khu rừng tự nhiên nằm trên địa bàn hai huyện A Lưới và Nam Đông, đồng thời là nơi có đường Hồ Chí Minh đi qua với tổng chiều dài hơn 30km.
Việc đầu tư xây dựng công trình Trạm bảo vệ rừng Tây Sao La và Trạm bảo vệ rừng A Tép có ý nghĩa hết sức cần thiết trong việc làm địa điểm triển khai các hoạt động bảo vệ rừng, nơi làm việc, nghỉ ngơi sinh hoạt của cán bộ, nhân viên quản lý bảo vệ rừng, góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt đối với cán bộ, nhân viên quản lý bảo vệ Khu bảo tồn Sao La, cũng như góp phần tăng cường năng lực bảo tồn cho khu bảo tồn sao la và phục hồi rừng hành lang đa dạng sinh học Thừa Thiên-Huế.
Các địa phương trong vùng dự án của tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện cũng đang tích cực thực hiện các giải pháp bảo tồn như ngăn chặn tình trạng săn bắt một cách bền vững, quản lý rừng dựa vào cộng đồng và các hệ thống chia sẻ lợi ích... nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của lực lượng chức năng trong công tác bảo tồn sao la...
Sao La (tên khoa học Pseudoryx nghetinhensis) là động vật hoang dã đặc biệt quý hiếm, có tên trong sách đỏ thế giới, được ghi nhận chỉ còn tại vùng rừng núi Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam, với khoảng 200 cá thể. Ngoài ra, đây cũng là nơi sinh sống của một số loài động vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như mang Trường Sơn, voọc ngũ sắc, vượn má trắng và còn nhiều loài khác mới được phát hiện và chưa được công bố./.
Quốc Việt