Giáo dục học sinh ý thức bảo vệ nguồn nước sạch

Cập nhật: 24/02/2012
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề vô cùng cấp bách không chỉ của riêng một vùng nào, từ thành thị, nông thôn cho tới cả các tỉnh miền núi, đe dọa tới các nguồn nước và không khí, tàn phá đa dạng sinh học, gây biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống con người.

Trong số những biện pháp mà Liên hợp quốc đề ra trong chiến lược bảo vệ môi trường thì việc giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.

Với ý nghĩa đó, tổ chức "Seed To Table" (STT) đã phối hợp với Tập đoàn LIXIL (Nhật Bản) tiến hành chiến dịch tuyên truyền và thực hành các giải pháp để mang lại nguồn nước sạch trong sinh hoạt tại xã miền núi Phú Vinh, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.

Anh Đinh Công Thành, Bí thư đoàn xã Phú Vinh cho biết: “Hiện nay, người dân tại xã sống phụ thuộc vào nông nghiệp là chính. Trước kia, xã trồng ngô, khoai, sắn nhưng lợi ích kinh tế không cao nên đời sống khó khăn. Một số hộ dân nhận thấy cây mía mang lại hiệu quả thu nhập cao nên đã đầu tư trồng và đến nay 90% diện tích đất của xã là trồng mía.”

Tuy nhiên, anh Thành cũng thừa nhận rằng, cây mía có thể sinh trưởng và đem lại năng suất thì người dân phải sử dụng thuốc trừ sâu phun với mật độ rất dày một tuần/lần để tránh sâu bệnh. Hơn nữa, sau khi dùng thuốc xong, nhiều người vứt chai lọ ngay tại đồng, ao hồ nên nước ngày càng bị ô nhiễm.

 “Nhiều hộ dân vẫn không đọc kỹ hướng dẫn cách phun thuốc trừ sâu với lưu lượng cho phép trên bao bì mà phần lớn vẫn theo kinh nghiệm làm nông lâu năm áp dụng vào trồng trọt đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm,” anh Thành cho biết.

Theo anh Thành, khi có dự án bảo vệ nguồn nước sạch của STT phối hợp cùng LIXIL đoàn thanh niên đã xin ý kiến và được lãnh đạo xã đề nghị dự án hỗ trợ kiểm tra nguồn nước tại địa bàn.

Trưởng đại diện STT, bà Ino Mayu đã có nhiều năm làm việc tại các tỉnh của Việt Nam nhận thấy bảo vệ môi trường nên bắt đầu bằng việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, nhất là cho học sinh, sinh viên.

“Hiện nay, vấn đề giáo dục ý thức, trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường trong các nhà trường chưa được chú trọng đúng mức, bảo vệ môi trường chưa được xem là một môn học ở các cấp học phổ thông, ngoại trừ một số trường đại học, cao đẳng có môn học chuyên ngành về môi trường. Bộ môn này mới chỉ được lồng ghép trong các môn sinh học, giáo dục công dân, địa lý và một số tiết học ngoại khóa,” bà Ino chia sẻ.

Thậm chí, theo bà Ino, một số cuộc thi bảo vệ môi trường đã được tổ chức trong trường học, song nhìn chung, vẫn còn mang nặng tính hình thức. Do vậy, ý thức bảo vệ môi trường vì thế chưa hình thành rõ nét trong tầng lớp học sinh, sinh viên.

“Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong nhà trường là một trong những biện pháp quan trọng, giúp học sinh biết yêu thiên nhiên, hiểu được tầm quan trọng của môi trường với cuộc sống và hơn nữa biết cách chăm sóc, giữ gìn hành tinh xanh,” bà Ino khẳng định.

Tại lớp học, các em học sinh được lắng nghe ý nghĩa của nước đối với cuộc sống. Qua các hình vẽ, câu đố gắn liền với điều kiện sống hàng ngày nên nhiều em hào hứng tiếp thu và tranh luận cũng như thực hành ngay trên lớp.

Các vật mẫu nước được mang từ chính nguồn nước giếng, hồ thông qua thiết bị, dụng cụ của tập đoàn LIXIL sẽ tiến hành thử nghiệm xác định xem nước bị ô nhiễm đến mức độ nào để từ đó có thể đưa ra biện pháp và cách lọc nước.

Em Nguyễn Văn Hải, học sinh trường trung học cơ sở Phú Vinh tay nhẹ nhàng đổ nước vào dụng cụ, lắc đều. Chỉ vài phút sau, nước chuyển sang các màu hồng nhạt, tím, xanh đậm... sẽ biết được mức độ nước nhiễm chất độc hại gì qua bảng chỉ số nồng độ.

 “Những dụng cụ này rất thiết thực, khả năng kiểm nghiệm và đo chính xác mức độ ô nhiễm nước sẽ giúp người dân biết được nước sinh hoạt, nước tưới tiêu có bị ô nhiễm hay không,” Hải thành thật.

Theo bà Kumazaki Chiemi, đại diện Tập đoàn LIXIL, ngoài các thiết bị này, người dân có thể làm các thao tác đơn giản như: dùng cát, sỏi, than và các tạp chất vốn có ngay tại nhà để có thể xử lý sơ qua nguồn nước đảm bảo nước trong và giảm được phần nào vi khuẩn.

Đồng tình quan điểm đó, ông Ono Satoshi, đại diện Tập đoàn LIXIL cho rằng, có nhiều biện pháp áp dụng để gìn giữ và đảm bảo nguồn nước sạch.

“Không phải không có tiền là không làm được, không phải cứ xây nhà máy lọc nước để lọc mà những vật liệu có sẵn tại nhà cũng có đủ khả năng tiến hành xử lý nước an toàn. Nhưng điều quan trọng chính là ý thức tự bảo vệ môi trường mỗi người bởi làm thay đổi từ nhận thức đi đến hành vi phải là quá trình đồng bộ,” ông Ono chia sẻ.

Đại diện Tập đoàn LIXIL cũng cho hay, ngoài dự án này, thời gian tới, tùy theo yêu cầu của các địa phương, tập đoàn sẽ phối hợp với STT làm các chương trình như tìm hiểu loài côn trùng qua đó các em sẽ học được cách duy trì giống loài, am hiểu môi trường và là cơ hội hiểu sâu hơn về tài sản tài nguyên thiên nhiên nơi mình sinh sống.

 “Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong nhà trường là một trong những biện pháp quan trọng, giúp học sinh biết yêu thiên nhiên, hiểu được tầm quan trọng của môi trường với cuộc sống và hơn nữa biết cách chăm sóc, giữ gìn hành tinh xanh. Tổ chức STT sẽ tiếp tục làm việc với các em để góp phần thiết thực bảo vệ môi trường,” bà Ino khẳng định./.

Tập đoàn LIXIL hiện sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng gồm INAX, Tostem, Sun Wave, TOEX. Trong vài năm qua, LIXIL đã liên tục mở rộng quy mô bằng việc thâu tóm nhiều thương hiệu khác như American Standard (gạch men, sứ vệ sinh), Shanghai Meite (gạch xây dựng), Permasteelisa và hiện đang lên kế hoạch mua lại thương hiệu Wuxi Moritec.

Với những vụ thâu tóm này, LIXIL hướng tới mục tiêu trở thành tập đoàn lớn bao trùm trong các lĩnh vực sản xuất cửa, sứ vệ sinh, gạch, ngói xây dựng, trang thiết bị nhà tắm, nhà bếp.

 

Nguồn: Vietnam+