Với tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, những năm gần đây Kon Tum là một điểm đến mới mẻ, hấp dẫn. Trong tương lai không xa, Kon Tum sẽ là điểm nhấn của con đường xanh Tây Nguyên, nối kết các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên với vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Được mệnh danh là “Ngã ba Đông Dương” trên dãy Trường Sơn, Kon Tum có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử. Kon Tum còn có nhiều quang cảnh tự nhiên như: Vườn quốc gia Chư Mom Ray, lòng hồ Ya Ly, suối nóng Đăk Tô- thác Đăk Lung, rừng thông Măng Đen, làng Konktu, khu du lịch bãi đá thiên nhiên km33... tất cả hình thành nên các khu du lịch cảnh quan, nghỉ dưỡng, tạo nên sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa đặc sắc và hấp dẫn.
Điển hình phát triển của du lịch Kon Tum phải kể đến khu du lịch sinh thái Măng Đen được xác định là một trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh được chú trọng đầu tư phát triển. Cũng theo dự thảo báo cáo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Tây Nguyên là 1 trong 7 vùng du lịch đặc thù của Việt Nam mà trong đó Măng Đen được đề xuất là 1 trong 31 khu vực có quy mô và tiềm năng du lịch đặc biệt nổi trội, cần được Nhà nước ưu tiên đầu tư để phát triển thành khu du lịch quốc gia. Với những ưu thế đặc biệt ấy, tháng 5/2011 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum đã tổ chức Hội thảo quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và đô thị Kon Plông đến năm 2030 nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển Trung tâm huyện lỵ Kon Plong gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng theo hướng hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum và dần trở thành khu du lịch lớn của khu vực Bắc Tây Nguyên.
Kon Tum có Vườn quốc gia Chư Mom Ray, tổng diện tích 48.658ha là nơi bảo tồn đa dạng sinh học các loài động, thực vật rừng quý hiếm, thảm thực vật rừng nguyên sinh, sinh cảnh quan trọng. Hay như thác Ya Ly với cảnh đẹp, núi non hùng vĩ. Thủy điện Ya Ly đã hình thành một khu vực lòng hồ rộng lớn, là nơi tham quan, du lịch lý tưởng với những người yêu thích thiên nhiên, tìm về cội nguồn. Đặc biệt Kon Tum có Khu du lịch bãi đá thiên nhiên km33 (huyện Kon Rẫy) cách thị xã Kon Tum 23km về phía Đông, khu vực được tạo nên bởi những bãi đá nối liền nhau, phong cảnh trữ tình, êm ả đặc biệt vào mùa hè, tạo cho du khách những cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Đến với làng Konktu là nơi thường xuyên đón khách du lịch trong nước và quốc tế, du khách được chiêm ngưỡng những nét văn hóa đặc sắc còn nguyên sơ, với mái nhà rông truyền thống của người Bana cao vút, những nếp nhà sàn cổ kính; được xem chương trình biểu diễn cồng chiêng, với điệu múa xoang của các cô sơn nữ làng Konktu… Và còn rất nhiều những cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa độc đáo mang lại sức hấp dẫn đặc biệt cho du lịch Kon Tum.
Bên cạnh đó, việc khai thác các giá trị văn hóa lịch sử trong chiến lược phát triển du lịch cũng được chú trong với các địa danh nổi tiếng như: Nhà thờ gỗ Kon Tum, Di tích lịch sử ngục Đăk Glei, nhà rông ở làng Konktu, lễ hội cồng chiêng của đồng bào các dân tộc thiểu số, lễ hội Puh Hơ Drih (lễ cầu an), lễ hội về nhà rông mới,…mang đậm những nét văn hóa của người dân Tây Nguyên.
Du khách đến Kon Tum sẽ thực hiện cuộc hành hương trở về với chiến trường xưa, với những địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc, đó là Đắk Tô - Tân Cảnh, mảnh đất đầu cầu của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam; đồi Charlie; đường mòn Hồ Chí Minh; ngã ba Đông Dương huyền thoại... Ngoài ra, với trên 53% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 6 dân tộc bản địa sinh sống lâu đời ở Kon Tum bề dày văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng cả văn hóa vật thể và phi vật thể là nét hấp dẫn du khách nước ngoài thích tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa. Vì thế, ngành du lịch địa phương đang khảo sát, tìm ra những sản phẩm du lịch độc đáo để đáp ứng nhu cầu của du khách. Đồng thời, chủ động thực hiện các chương trình phối hợp đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011-2015 giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum.
Việc phát triển những loại hình du lịch này không chỉ có ý nghĩa đối với ngành du lịch địa phương mà còn mang tầm quan trọng trong việc nối kết các lễ hội, du lịch giữa tuyến du lịch Tây Nguyên với con đường di sản miền Trung như Huế, Hội An, Đà Nẵng… tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ, điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách trong và ngoài nước bởi vùng đất này còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn mà con người chưa khám phá hết.