''Du lịch Di sản'' góp phần quảng bá bản sắc Việt

Cập nhật: 01/03/2012
Năm du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012 được lấy chủ đề là "Du lịch Di sản”. Điều này cho thấy, chúng ta đang rất đề cao những giá trị mà ông cha để lại.

Năm du lịch Quốc gia 2012 gắn với Festival Huế - một sự kiện văn hóa mang tính quốc tế thêm một lần nữa đặt ra bài toán: "Phải làm gì để đưa giá trị di sản Việt Nam trở thành điểm đến đầy màu sắc, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước?”.  

 

Thăng hoa cùng du lịch Di sản  

Việt Nam là một nước tập trung nhiều di sản thế giới, di tích quốc gia, lễ hội đặc sắc... Sau một hành trình dài nỗ lực, đến nay nhiều di sản của Việt Nam đã được UNESCO tôn vinh. Đó là "chiếc chìa khóa vàng” để mở cánh cửa giới thiệu các di sản của Việt Nam tới khách du lịch nước ngoài. Di sản là sản phẩm du lịch đặc thù, góp phần thúc đẩy tăng nguồn khách du lịch đến với dải đất hình chữ S. Theo dự đoán của nhiều nhà chuyên môn, năm 2012 có thể sẽ là năm "thăng hoa” của du lịch Di sản với khoảng 30 hoạt động văn hóa, nghệ thuật và lễ hội lớn mừng Năm du lịch Quốc gia được triển khai trên khắp cả nước. Đặc biệt, nhiều sản phẩm du lịch có thương hiệu quốc gia và quốc tế cũng sẽ được tập trung xây dựng trong năm 2012. Trong đó, phải kể đến những tour du lịch nối tuyến giữa các kinh đô cổ Việt Nam, các di sản văn hóa khu vực Trung bộ với các điểm đến trong nước và khu vực. Để chuẩn bị cho Năm du lịch Quốc gia 2012 có chủ đề "Du lịch Di sản”, chúng ta đã lên kế hoạch đầu tư, tôn tạo nhiều di tích, danh lam thắng cảnh như: Cố đô Huế, phố cổ Hội An... Đặc biệt, tại Huế, để chuẩn bị cho Năm du lịch 2012, công tác bảo tồn di tích, quản lý lễ hội đã được triển khai từ rất sớm. Có thể khẳng định, việc đưa các di tích lịch sử - văn hóa vào khai thác du lịch chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong việc tạo ra sức bật mới cho ngành du lịch. Tuy nhiên, để việc khai thác du lịch di sản thành công, đòi hỏi ngành du lịch phải biết cách tạo ra môi trường du lịch hấp dẫn; các địa phương phải giúp người dân được hưởng lợi nhiều hơn thông qua việc tham gia dịch vụ du lịch, ngành nghề thủ công truyền thống...   

 

Đừng bỏ quên di sản văn hóa phi vật thể   

Trước đây, khách nước ngoài đến Việt Nam thường chỉ quan tâm những di sản văn hóa vật thể, những công trình kiến trúc, mỹ thuật, bảo tàng...; hiện nay, du khách còn tìm hiểu thêm các giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống. Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã và đang được giới thiệu ra nước ngoài thông qua những buổi trình diễn nghệ thuật truyền thống như: Múa rối nước, Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Tuồng, Chèo, Cải lương, Quan họ, Ca trù... Việc du khách quốc tế đến thăm những di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam, sau đó lại tiếp tục trải nghiệm khám phá những di sản văn hóa phi vật thể, chắc chắn sẽ giúp du khách nước ngoài hiểu hơn về những giá trị truyền thống của con người Việt Nam. Và biết đâu đấy, trong tương lai không xa, những vị khách nước ngoài ấy lại tiếp tục chọn Việt Nam làm điểm đến để du lịch, đầu tư. Theo thống kê của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), hiện nước ta có khoảng trên 4 vạn di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, còn có khoảng 1 nghìn di sản phi vật thể. Như vậy, nếu biết kết nối giữa du lịch và di sản, các địa phương sẽ có lợi không chỉ về kinh tế mà còn góp phần phát huy giá trị của di sản...

Nguồn: Báo Đại Đoàn kết