Hoàng thành Thăng Long sẽ trở thành bảo tàng và công viên

Cập nhật: 05/03/2012
Sau gần 9 năm nghiên cứu, khai quật, Viện Khoa học Xã hội (KHXH) Việt Nam đã chính thức bàn giao để TP. Hà Nội quản lý khu A và B của di tích Hoàng thành Thăng Long (HTTL) tại 18 Hoàng Diệu.

Để phát huy giá trị di sản HTTL, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho cơ quan chức năng quy hoạch, bảo tồn Khu HTTL và nghiên cứu mô hình bảo tàng có không gian mở ra các trục đường Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ...

Theo GS Phan Huy Lê, Khu di tích Trung tâm HTTL là một di sản có giá trị lớn, phản chiếu bề dày lịch sử gần như liên tục, từ phủ An Nam, thành Đại La thế kỷ VII-IX thời thuộc Đường đến Cấm thành Thăng Long từ thời Lý qua Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng cuối thế kỷ XVIII rồi thành Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn thế kỷ XIX và qua thời Pháp thuộc cho đến hiện nay. Trên diện tích 19.000m2 ở Khu HTTL, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những dấu tích khẳng định Khu di tích là trung tâm hội tụ và kết tinh các giá trị văn hóa dân tộc. Theo TS. Hà Văn Phùng, các di vật vô giá khai quật được tại Khu Trung tâm HTTL trong thời gian qua đã đủ để xây dựng một Công viên Lịch sử - văn hóa có tầm cỡ quốc gia.

HTTL là di tích đầu tiên của Việt Nam được khai quật trên một diện tích lớn, các hiện vật lại nằm sâu dưới lòng đất, nên trong quá trình nghiên cứu, khai quật, các nhà khoa học phải đối diện với nhiều khó khăn, từ chuyện thời tiết nắng, mưa, đến những khó khăn khi bảo quản các hiện vật khai quật. Làm gì để bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của Khu di tích đặc biệt quan trọng được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới là câu hỏi không dễ trả lời với các cơ quan chức năng cũng như các nhà nghiên cứu, bởi hiện nay, chúng ta chưa có khoa học bảo tồn loại hình di chỉ khảo cổ học dưới lòng đất. Với mong muốn quy hoạch, bảo tồn Khu di tích HTTL xứng tầm là Di sản thế giới, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (trực thuộc Viện KHXH Việt Nam) hiện đang triển khai hai đề tài: Đề án Xây dựng Công viên Lịch sử - văn hóa tại Trung tâm HTTL và Đề án Xây dựng Bảo tàng Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Tòa nhà Quốc hội. Đây là hai công trình trọng điểm nhằm kết nối không gian văn hóa và không gian lịch sử thuộc Khu vực Di tích HTTL đang được Nhà nước quan tâm đầu tư.

Kể từ khi phát lộ đến nay, đã có rất nhiều phương án bảo tồn Khu di tích HTTL được các cơ quan chức năng, cũng như các nhà nghiên cứu đề xuất. Mới đây nhất, vào đầu tháng 2-2012, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về đồ án Quy hoạch tổng mặt bằng Khu Trung tâm HTTL tại 18 Hoàng Diệu, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tại Thông báo số 31/TB-VPCP. Theo kết luận của Thủ tướng, Quy hoạch tổng mặt bằng Khu 18 Hoàng Diệu là quy hoạch đặc thù, bên trong khu vực quy hoạch có Nhà Quốc hội là công trình kiến trúc hiện đại và các công trình, di tích lịch sử - văn hóa cần bảo tồn. Do vậy, việc quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu kết hợp hài hòa giữa công trình Nhà Quốc hội và Khu Công viên Lịch sử - văn hóa. Các công trình bảo tồn cần phải có tỷ lệ phù hợp, có ngôn ngữ kiến trúc hài hòa với không gian, kiến trúc cảnh quan trong khu vực. Thủ tướng giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp cùng Viện KHXH Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu thêm để xác định chức năng Khu 18 Hoàng Diệu trong tổng thể Khu HTTL trước đây; đề xuất, kiến nghị bảo tồn nguyên trạng hoặc bảo tồn một phần các di tích lịch sử trong khu vực. Đồng thời, nghiên cứu mô hình bảo tàng hợp lý, thông thoáng, có không gian mở ra các trục đường Hoàng Diệu và Hoàng Văn Thụ, hạn chế xây dựng các công trình nổi trên toàn bộ khu vực này. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL nghiên cứu, tính toán xây dựng đường ngầm qua đường Hoàng Diệu kết nối Khu 18 Hoàng Diệu với Khu HTTL, đáp ứng yêu cầu gắn kết và thống nhất trong một chỉnh thể Công viên Lịch sử - văn hóa tại Trung tâm HTTL.

Nói về tương lai của HTTL, PGS.TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ, miêu tả: "Hãy hình dung giữa lòng một đô thị hiện đại đông đúc có pha cả ồn ào, ô nhiễm mà có một công viên có các dấu tích văn hóa vật chất của một nghìn năm với các lớp văn hóa và di tích dưới lòng đất, lớp lớp các di vật phong phú đa dạng... Tôi nghĩ, trong công viên đó nhất định sẽ có bảo tàng hiện vật, bảo tàng sống với các hình ảnh 3D, các dịch vụ văn hóa... Khi đó, câu chuyện chúng ta nói với thế hệ sau, với thế giới về bề dày văn hóa Thăng Long sẽ sinh động và thuyết phục vô cùng”...


Nguồn: Đại đoàn kết