Công bố Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu

Cập nhật: 08/03/2012
Ngày 7/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ công bố Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Phát biểu tại Lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh rằng nhận thức rõ những tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã sớm tham gia và phê chuẩn Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto; đồng thời chỉ đạo từng bước hoàn thiện các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ tháng 12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là một trong những thành công ban đầu quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Ngày 5/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Theo đó, Chiến lược được bố cục thành 6 phần, bao gồm: Biến đổi khí hậu-thách thức và cơ hội đối với Việt Nam; Quan điểm chiến lược; Tầm nhìn tới năm 2100; Mục tiêu đến 2050; Các nhiệm vụ chiến lược và Tổ chức thực hiện. Chiến lược quốc gia cũng đã xác định 10 nhiệm vụ chiến lược, bao gồm các nhóm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực thích ứng, nhóm nhiệm vụ thuộc về giảm nhẹ; các điều kiện phù hợp, đảm bảo cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đạt hiệu lực, hiệu quả cao và khả thi nhất.

Trong giai đoạn 2011-2015, Chiến lược đề ra chương trình, đề án ưu tiên như Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng kế hoạch mở rộng cho giai đoạn 2016-2025; Chương trình Đồng bằng sông Cửu Long và Chương trình Đồng bằng sông Hồng về quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu; Đề án kiểm kê, giám sát phát thải khí nhà kính và quản lý các hoạt động giảm thiểu phát thải khí nhà kính; Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu cho các đô thị lớn của Việt Nam.

Chương trình nâng cấp và cải tạo hệ thống đê biển, đê sông phù hợp với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Đề án nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng phù hợp với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các đảo dân sinh ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Đề án xây dựng thí điểm và nhân rộng mô hình cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Trình bày Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam, giáo sư-tiến sỹ Trần Thục, Viện trưởng Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành việc xây dựng và công bố Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam dựa trên kịch bản phát thải khí nhà kính, kịch bản biến đổi khí hậu toàn cầu của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu.

Kịch bản cập nhật năm 2012 nhằm bổ sung các dữ liệu, kiến thức mới về hệ thống khí hậu và các phương pháp tính toán mới để đưa ra các kịch bản chi tiết hơn, có cơ sở khoa học hơn và phù hợp với thực tiễn. Việc cập nhật Kịch bản được thực hiện dựa trên cơ sở các mô hình khí hậu, phần mềm thống kê, phương pháp luận lựa chọn, xây dựng chuyên biệt cho Việt Nam và các khu vực lân cận. Các loại số liệu cần được khai thác tối đa trong quá trình xây dựng như số liệu quan trắc tại các trạm khí tượng, khí hậu, các trạm hải văn, dữ liệu vệ tinh, số liệu mô phỏng của mô hình...

Cũng tại Lễ công bố, cộng đồng quốc tế đánh giá cao những nỗ lực và sự chủ động của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục có những hỗ trợ về tài chính và công nghệ để Việt Nam ứng phó hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu.

Sau Lễ công bố Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tổ chức thảo luận về các chính sách biến đổi khí hậu, với chủ đề "Tăng cường năng lực điều phối các hoạt động ứng phó và thực hiện chính sách về biến đổi khí hậu;" "Những vấn đề về tài chính cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam;" "Tăng cường nhận thức, năng lực, giáo dục và đào tạo và phát triển khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu"./.

Văn Hào

 

Nguồn: TTXVN