Festival Huế 2012 - Làng quê rộn ràng

Cập nhật: 19/03/2012
Nếu như các dịp Festival Huế trước đây, người dân Huế - chủ nhân của Festival vẫn là khán giả, đứng bên lề xem các nghệ sĩ biểu diễn, thì lần này họ đã là đồng tác giả với các nghệ sĩ. Không chỉ thế, họ còn thể hiện mình như những nghệ sĩ thực thụ trong không gian đậm chất văn hóa.

Bên không gian thanh bình bắc ngang dòng sông Như Ý, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, chợ quê cầu ngói Thanh Toàn, tái hiện qua một phiên chợ vùng nông thôn đã góp mặt vào Festival Huế từ năm 2002 và đang trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút được nhiều du khách ghé thăm, nhất là trong các dịp festival. Chợ được tổ chức từ cầu Chùa đến Phủ thờ Tôn Thất Thuyết. Bên chiếc cầu ngói xinh xắn, trữ tình là cảnh mua bán tấp nập, đông vui của ngôi chợ nhỏ làng quê Huế xưa.

Ở đây, khách tự do lựa chọn các sản vật của vùng quê Hương Thủy: gạo Thủy Dương, Thủy Phù, nếp Thủy Tân, Thủy Vân, bột lọc, rượu gạo Thủy Dương, rượu ngon làng Chuồn; các đồ mỹ nghệ, mây tre đan vốn nổi tiếng của Dạ Lê, Bao La… Du khách có dịp thưởng thức món ăn truyền thống như bánh tày, bánh ú, bánh phu thê, chè bắp, chè hạt sen. Không chỉ tham quan, khách còn trực tiếp tham gia vào các sinh hoạt dân gian của ngày hội như chơi bài chòi, cờ tướng, đạp nước, cất vó, câu cá dọc hai bên bờ sông. Trẻ con sẽ chơi trò bịt mắt đập om, nhảy bao bố, vật tay, đi xe đạp chậm, đi cầu khỉ…

Ông Lê Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy cho biết, chợ quê ngày hội (từ ngày 8 – 11-4) không chỉ tạo ấn tượng trong những ngày diễn ra lễ hội, mà sẽ còn là địa chỉ du lịch đáng lưu ý của du khách từ nay về sau.

Cũng tại Festival Huế 2012, du khách còn được khám phá làng cổ Phước Tích (thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền), điểm đến chính nằm trong tour du lịch “Hương xưa làng cổ”. Với cấu trúc và tổ chức không gian được coi là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung bộ, hiện làng Phước Tích còn 24 ngôi nhà cổ có giá trị, trong đó nhà cổ nhất dựng năm 1850. Đây là ngôi làng có lịch sử hình thành hơn 500 năm được Bộ VH-TT-DL xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ở đây, du khách còn tận mắt chứng kiến người dân trình diễn nghề làm gốm truyền thống. Những sản phẩm từ gốm của người dân Phước Tích đang trở thành những món quà lưu niệm độc đáo được nhiều du khách yêu thích.

Nghệ nhân làm gốm Đoàn Văn Lụa cho hay, việc khôi phục nghề gốm cổ khiến nhiều du khách thích thú trong dịp festival. Ngay từ Festival Huế 2006, huyện Phong Điền đã đầu tư để người dân khôi phục sản xuất gốm phục vụ tour du lịch “Hương xưa làng cổ” và tour du lịch này vẫn được duy trì trong các kỳ festival sau. Để chuẩn bị cho Festival Huế 2012, tháng 8-2011, hoạt động hỗ trợ phát huy vai trò cộng đồng trong phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua du lịch di sản, do tổ chức Jica phối hợp với Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) thực hiện đưa ra hướng phát triển làng nghề gắn với phục vụ du lịch.

Bước đầu, chuyên gia gốm Nhật Bản Mizokami Yoshihiro, giúp người dân làng nghề Phước Tích dần phục hồi sản xuất gốm cổ truyền thống lu, chậu… đồng thời giúp 20 nghệ nhân của làng nghề Phước Tích học các cách sản xuất sản phẩm mới phục vụ đời sống và quà lưu niệm phục vụ khách du lịch trên kỹ thuật chế tác gốm cổ của làng. Theo bà Kobayashi Aikiko - điều phối viên dự án Jica, việc khôi phục phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch và Festival Huế 2012 là cơ hội để làng nghề thu hút du khách hơn. Bởi Phước Tích có lợi thế là làng di sản với hàng trăm nhà rường truyền thống, cảnh sắc làng quê tuyệt đẹp.

Theo ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, ngoài các hoạt động nghệ thuật và lễ hội đường phố đặc sắc, các sản phẩm tour du lịch như: Ngự thuyền khám phá sông Hương, Hương xưa làng cổ, Chợ quê ngày hội được đánh giá là “đặc sản” phục vụ du khách trong dịp Festival Huế lần này.

Nguồn: SGGPonline