Vi sinh vật làm sạch nước thải làng nghề

Cập nhật: 16/03/2012
Việc kết hợp sử dụng các loài tảo cùng các vi sinh vật (VSV) để xử lý nước thải ô nhiễm hữu cơ được coi là một giải pháp khá hợp lý, có thể thực hiện một cách dễ dàng và thuận tiện, giảm giá thành xử lý tại các hộ sản xuất.

Làng nghề sản xuất bún Phú Đô - Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khoảng 1.200 hộ gia đình sinh sống ở Phú Đô, có tới 50% hộ theo nghề làm bún gia truyền. Bình quân mỗi ngày Phú Đô xuất xưởng khoảng 50 tấn bún. Chất thải từ nước gạo chua không được xử lý chảy ra hệ thống cống rãnh của làng luôn bốc mùi hôi thối. Nước thải của làng nghề bún Phú Đô luôn trong tình trạng bị ô nhiễm hữu cơ nặng nề với nồng độ nitơ, photpho và hàm lượng BOD5, COD trong nước thải rất lớn. Trong đó, ô nhiễm 76,9 tấn COD; 53,14 tấn BOD5; 9,38 tấn SS gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng.

Ở Việt Nam, tảo lam Spirulina được nhập nội từ Pháp năm 1972. Nó đã trở thành một đối tượng nghiên cứu sinh lý, sinh hóa. Xử lý nước thải bằng vi sinh vật và tảo lam Spirulina là công trình nghiên cứu của Viện Công nghệ Sinh học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã mở ra hướng giải quyết mới cho vấn đề nước thải làng nghề và có thể áp dụng rộng rãi đối với các làng nghề trong cả nước.

Các nhà khoa học nhận định, do đặc thù của nước thải sản xuất bún là ô nhiễm chất hữu cơ dễ phân hủy sinh học nên việc áp dụng các biện pháp sinh học nói chung hay xử lý bằng bùn hoạt tính nói riêng để xử lý nước thải là hoàn toàn phù hợp. Việc kết hợp sử dụng các loài tảo cùng các vi sinh vật (VSV) để xử lý nước thải ô nhiễm hữu cơ được coi là một giải pháp khá hợp lý do trong nước thải, hàm lượng nitơ và photpho là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho sự sinh trưởng và phát triển của tảo. Ngoài ra, việc thu hồi sinh khối tảo trong nước thải sau xử lý có thể thực hiện một cách dễ dàng và thuận tiện bằng cách vớt hay lọc bằng lưới, góp phần làm giảm giá thành xử lý.

Tảo lam Spirulina đã được sử dụng trong xử lý nước thải giàu amoni từ một số nguồn phân hóa học trong trồng trọt ở Việt Nam để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm giá thành sản phẩm từ Spirulina. Ngoài ra, các thử nghiệm nuôi trồng tảo này bằng nguồn nước thải ươm tơ tằm, nước thải của nhà máy phân đạm, nước thải từ hầm biogas…đã được triển khai, ngay cả các nguồn phế thải hữu cơ như rỉ đường, phế thải công nghiệp rượu bia cũng đã được thử nghiệm để nuôi trồng và thu sinh khối tảo này.

Các nhà khoa học đã tiến hành lấy mẫu nước thải tại cống chung của làng bún Phú Đô và xử lý bằng tảo lam Spirulina. Kết quả thí nghiệm cho thấy, nước thải sản xuất bún tại cống chung cuối làng sau khi được xử lý bằng bùn hoạt tính và chủng tảo lam có hàm lượng BOD5 sau xử lý là 52,02 mg/l, giảm đi 11,94 lần so với hàm lượng BOD5 của nước thải ban đầu 621 mg/l; hàm lượng COD sau xử lý là 70,36 mg/l, giảm đi 19,56 lần so với hàm lượng COD của nước thải ban đầu 1376 mg/l; hàm lượng N  sau xử lý đạt 7,43 mg/l, giảm đi 11,47 lần so với hàm lượng N trong nước thải ban đầu 85,24 mg/l. Mẫu nước thải sản xuất bún tại cống chung cuối làng sau khi được xử lý bằng bùn hoạt tính và chủng tảo lam cả ba chỉ tiêu về hàm lượng COD, N và P đều đạt QCVN.

Sau giai đoạn xử lý nước thải làng nghề bún Phú Đô bằng bùn hoạt tính và sục khí trong 14 giờ, nước thải tiếp tục được sử dụng để nuôi chủng tảo lam trong điều kiện có bùn hoạt tính và sục khí. Kết quả cho thấy, chủng tảo lam phát triển tốt trong môi trường nước thải sản xuất bún. Đến ngày thứ 20 được nuôi cấy trong nước thải, tốc độ sinh trưởng gấp 3,9 lần so với ban đầu là 0,20 lần. Đặc điểm sinh hóa nổi bật của Spirulina là có hàm lượng protein rất cao, chiếm khoảng 50 - 70% trọng lượng của tế bào, trong khi các thực phẩm được coi là giàu đạm như đậu đỗ, thịt, phomat cũng chỉ có 20% đạm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đạm trong Spirulina hoàn toàn không có hại. Và cũng khác với các loại đạm khác, đạm trong Spirulina rất dễ hấp thụ do các axit amin hầu như ở dạng tự do. Tỷ lệ hấp thụ đạm trong Spirulina là hơn 90% .

Nguồn: Monre.gov.vn