Đưa hát xoan thành sản phẩm du lịch văn hóa

Cập nhật: 21/03/2012
Cùng với việc hát xoan được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, UBND tỉnh Phú Thọ đã công bố Chương trình hành động Bảo vệ và phát huy giá trị di sản hát xoan Phú Thọ giai đoạn 2012 - 2015, trong đó có việc đưa hát xoan trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa.

Chương trình hành động

Trong chương trình Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp – hát xoan Phú Thọ giai đoạn 2012 - 2015 vừa được công bố, UBND tỉnh Phú Thọ đã khẳng định 8 nội dung cần phải triển khai. Trong đó, đáng chú ý là chính sách đãi ngộ cụ thể với những nghệ nhân hát xoan, tạo điều kiện để các nghệ nhân truyền nghề cho các thế hệ con cháu; công tác giáo dục và tuyên truyền hát xoan trong lớp trẻ, đặc biệt đưa hát xoan vào chương trình giảng dạy tại các cấp học phổ thông, trường sư phạm và nghệ thuật của tỉnh…

Phú Thọ sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước đi đôi với các nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn và phát huy di sản Phú Thọ. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, những người tâm huyết với di sản có những hành động thiết thực góp phần tôn vinh, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch văn hóa bền vững, xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, Phú Thọ có 4 phường xoan gốc là thôn An Thái (xã Phượng Lâu), Thôn Thét, thôn Phù Đức, thôn Kim Đái (xã Kim Đức, TP. Việt Trì). Hát xoan đứng ở ranh giới mong manh của sự tồn tại thể hiện ở những con số mà chỉ nghe thôi cũng đã thấy đáng lo. Toàn tỉnh còn 69 nghệ nhân hát xoan, trong đó 31 người có độ tuổi từ 60 đến 104 và chỉ có 8 người có khả năng truyền dạy. Tổng số người tham gia các phường xoan hiện nay là 81, biết hát xoan là 49 người. Và trong số 30 di tích, nơi đã từng diễn ra các điệu hát xoan chỉ còn 13 di tích được bảo tồn, hai di tích đã xuống cấp, 15 di tích đã mất hoàn toàn.

Hiện nay đây đó đã xuất hiện những bài xoan mới, xoan cải biên, bởi những người muốn làm mới cho hát xoan nghĩ rằng để những giai điệu xoan sẽ bắt kịp với thời đại, cho dễ nghe hơn, có nhiều khán giả hơn. Chính vì thế, nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay với di sản này phải giữ được những làn điệu xoan cổ.

Dù hát xoan đã đến được với nhân loại, nhưng công việc để bảo tồn và phát huy xoan vẫn rất bộn bề. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần mạnh dạn loại bỏ những lai tạp và kiên quyết gạt bỏ hình thức sân khâu hóa, tạo mọi điều kiện để hát xoan hồi sinh mạnh mẽ trong không gian văn hóa và môi trường diễn xướng đúng với nguyên bản.

 

Hát xoan trở thành sản phẩm du lịch - không thể nhìn một chiều

Việc đưa hát xoan trở thành một sản phẩm du lịch để quảng bá tới du khách trong và ngoài nước biết đến nghệ thuật hát xoan là điều cần thiết. Bởi mặc dù hát xoan đã “nổi tiếng” thế giới sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại nhưng có một thực tế là vẫn còn rất ít người Việt Nam hiểu về giá trị của loại hình văn hóa này.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Ngọc Ân khẳng định Phú Thọ đã có chương trình cụ thể đưa hát xoan vào các tour du lịch.

Khi đề cập việc đưa hát xoan trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa của địa phương, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng ông không phản đối, tuy nhiên ông cũng đề nghị chính quyền địa phương cũng như các Sở, Ban Ngành chức năng cần phải có kế hoạch cụ thể, không để làm mất giá trị của di sản. Ông cũng trăn trở về tình trạng chạy theo nhu cầu của khách hàng, chiều theo những nhu cầu nhất thời của khách hàng mà không chú ý đến việc tại sao khách hàng lựa chọn đến du lịch ở địa phương này và tại sao khách hàng lại muốn tham quan, tìm hiểu về sản phẩm du lịch nào đó của địa phương mình?

Việc đưa hát xoan vào các tour du lịch với mục đích quảng bá di sản là điều nên làm, tuy nhiên cần phải có những kế hoạch cụ thể và bước đi thận trọng để tránh tình trạng hát xoan bị "nhào nặn" để trở thành sản phẩm du lịch đơn thuần nhằm phục vụ nhu cầu du khách chứ không phải du khách tìm đến hát xoan như để hiểu thêm về một loại hình di sản văn hóa đặc sắc của địa phương. Có như vậy, chúng ta mới có thể phát huy được thế mạnh về sự đa dạng và bản sắc văn hóa của dân tộc, thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam.

Nguồn: VTR