Huyện Cái Bè (Tiền Giang) - Phát triển du lịch sinh thái gắn với làng nghề và nhà cổ

Cập nhật: 23/03/2012
Từ thuở sơ khai, huyện Cái Bè đã là một trong những trung tâm hành chính - kinh tế - chính trị của Nam Bộ với tên gọi "Cái Bè Dinh" (1932-1757). Ngày nay, Cái Bè là một trung tâm phân phối trái cây cho khu vực ĐBSCL và cả nước.

Nằm ở tả ngạn dòng sông Tiền ngày đêm chở nặng phù sa, mảnh đất trù phú Cái Bè được mệnh danh là "vương quốc trái cây" với trên 160.000 ha vườn cây ăn trái trĩu quả, sum suê trải dọc theo những dải cù lao xanh biếc. Mỗi năm, Cái Bè đã đón gần 100.000 khách du lịch, trong đó hơn 70% là khách nước ngoài, trong năm đã có gần 1.000 du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. So với các miệt vườn ở miền Tây, miệt vườn Cái Bè thuộc hạng "phong phú vào bậc nhất", trái cây có 4 mùa, mùa nào thức ấy nên du khách đến đây vào mùa nào cũng đầy ắp nhiều loại trái cây chín thơm ngon. Tham quan Cái Bè, du khách được đi trong màu xanh dịu vợi của miệt vườn châu thổ Cửu Long, tiếp xúc với những người dân đôn hậu và hào phóng; đó là những yếu tố tạo cho sự hình thành và phát triển du lịch Cái Bè.

Điểm nổi bật của chợ nổi Cái Bè là các làng nghề truyền thống như: bánh tráng, kẹo dừa, cốm nổ... Giữa những chiếc ghe bầu chở hàng đang neo đậu nghỉ ngơi (chợ nổi chỉ họp vào buổi sáng) là nhiều chiếc thuyền du lịch đầy đủ kiểu dáng chở khách nước ngoài xuôi ngược đến các điểm du lịch làng cổ, vườn cây ăn trái. Tiếp đến du khách đến tham quan một điểm trà mật ong để thưởng thức sản phẩm tự nhiên mà người dân ở đây đã tận dụng vườn cây ăn trái để nuôi ong lấy mật. Tại những làng nghề, du khách nước ngoài rất thích thú trước những quy trình sản xuất các đặc sản của miền Tây được làm thủ công như làm cốm, nấu rượu..., thậm chí còn có khách đề nghị được thử một lần cho biết!

Làng cổ nằm ở xã Đông Hòa Hiệp là địa điểm thu hút du khách nhiều nhất để khám phá những nét kiến trúc cùng hoa văn cổ xưa của Nam Bộ được thể hiện qua những bức hoành, liễn gỗ, kèo cột được chạm khắc công phu ở các ngôi nhà tồn tại hơn 100 năm tuổi. Chú Ba Đức, chủ nhân ngôi nhà cổ ở xã Đông Hòa Hiệp, với tính cách cởi mở, chân chất của người miệt vườn, đã không giấu niềm tự hào khi "khoe" số lượng khách nước ngoài đến đây tham quan, ăn trưa trung bình trên 100 người/ngày. Đặc biệt, chú Ba đã đầu tư xây dựng một ngôi nhà nghỉ cũng nằm trong khuôn viên vườn cây ăn trái để đáp ứng nhu cầu ngủ lại đêm của du khách. Ngoài ra, còn có nhà cổ Ông Kiệt, được xây dựng từ năm 1838, được mệnh danh là một trong "cửu đại mỹ gia" (9 ngôi nhà đẹp nhất) ở Việt Nam, đã được tổ chức JICA (cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản) và Trường Đại học kiến trúc Nữ Chiêu Hoàng (Nhật Bản) đầu tư kỹ thuật và tài chánh để trùng tu. Ở làng Hòa Khánh còn có nhà của ông Cai Huy, được xây dựng vào năm 1860 cũng là nhà cổ mang đậm nét Nam Bộ...

Một yếu tố đặc biệt khác được xem là đặc ân của thiên nhiên ban tặng cho Cái Bè là con sông Tiền khi đi qua địa phận huyện đã tỏa ra nhiều nhánh, bồi đắp tạo thành những cồn, bãi với hệ sinh thái đặc trưng nên rất hấp dẫn du khách. Khi đi thuyền trên sông, du khách có thể bắt gặp hình ảnh người dân đang mưu sinh trên sông nước như quăng chài, thả lưới... bắt tôm cá. Nguồn sản vật cá tôm dồi dào trên sông Tiền đã góp phần giúp người dân cải thiện cuộc sống, đồng thời tô điểm thêm những nét chấm phá trong bức tranh du lịch sinh thái của Cái Bè sinh động. Là một trong những cán bộ huyện rất có tâm huyết với chuyện khai thác tiềm năng du lịch sinh thái Cái Bè.

Không dừng lại ở việc khai thác lợi thế du lịch sinh thái với hai yếu tố làng nghề và nhà cổ, lãnh đạo huyện đã định hướng, kêu gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vào đầu tư mô hình tham quan, nghỉ dưỡng cao cấp. Điều này được minh họa bằng những khu nghỉ dưỡng (resort) cao cấp với cảnh quan, cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn "sao" dọc sông Tiền đã được xây dựng và đưa vào khai thác. Đó là khu resort Mekong Riverside với tổng vốn đầu tư hơn 62 tỷ đồng có diện tích 7,2 ha với 34 phòng ngủ đạt tiêu chuẩn 4 sao; resort có hồ bơi, nhà hàng, spa... Anh Nguyễn Văn Phả, một trong những thành viên Hội đồng Quản trị của Công ty Đầu tư, khai thác resort cho biết: Nhận xét của khách nước ngoài (châu Âu là chính) khi qua đêm ở đây là họ thích không khí trong lành cùng cảnh quan đẹp giúp họ gần gũi với thiên nhiên hơn! Một khu nghỉ dưỡng khác là Mekong lodge với diện tích 1 ha được xây dựng theo mô hình sinh hoạt đậm nét văn minh miệt vườn từ những căn nhà lợp lá đến vườn rau, mương cá nuôi phục vụ khách... Đặc biệt, trong các căn phòng đều sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường từ các sản phẩm tiểu thủ công như ghế, bàn, thảm được làm trong nước từ lục bình, bẹ chuối. Được biết, cho đến nay, đây có thể được xem là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái đầu tiên ở ĐBSCL.

 

Trên địa bàn huyện hiện có 22 công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đặt chi nhánh tại đây để phục vụ du khách đến Cái Bè tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó khách quốc tế chiếm hơn 70%. Điều này cho thấy tiềm năng du lịch sinh thái - hay còn gọi là "công nghiệp không khói" của huyện là rất lớn, đặc biệt là sau khi cầu Mỹ Thuận khai thông và trong tương lai là đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được xây dựng. Vì vậy, trong những năm qua, thực hiện Chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển thương mại và dịch vụ, trong đó chú trọng vào việc quảng bá du lịch, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ huyện Cái Bè đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá hoạt động du lịch của huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm quảng bá hoạt động du lịch trong huyện.

Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện và các ngành chuyên môn đã xác định rõ vai trò của du lịch Cái Bè trong tỉnh Tiền Giang và khu vực ĐBSCL nên đã vạch ra kế hoạch kinh doanh phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của toàn ngành du lịch. Từ việc khai thác các tiềm năng và cảnh quan thiên nhiên, ngành du lịch huyện đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao, các dịch vụ gắn liền với đời sống của người dân địa phương. Huyện đã quy hoạch, đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, ăn uống, sinh thái cho du khách tại Hòa Khánh cặp bờ sông Tiền. Đồng thời, UBND huyện đã và đang triển khai thực hiện đề án đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống kết hợp với làm khu du lịch.

Ngành du lịch Cái Bè đang mở ra nhiều hoạt động hấp dẫn và Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ của huyện đang kêu gọi xã hội hóa trong hoạt động du lịch, song song với việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh tươi đẹp của miền sông nước Cái Bè để du lịch huyện mở ra nhiều loại hình hấp dẫn du khách, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững của "ngành công nghiệp không khói" trong tương lai./.

Nguồn: website Tiền Giang