Tín ngưỡng thờ Hùng Vương là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam vốn tồn tại từ rất lâu đời. Tuy nhiên, hiện nay, xung quanh việc thực hành tín ngưỡng này còn nhiều vấn đề khiến cho các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý phải "đau đầu."
Tín ngưỡng bị biến thiên
“Giờ nói về giá trị tín ngường thờ Hùng Vương, chúng ta dễ tìm những lời có cánh để ca ngợi nhưng chuyển sang thực hành mới là vấn đề.”
Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã phải thốt lên điều này trong cuộc hội thảo khoa học “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương-Hội tụ văn hóa tâm linh và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” trong khuôn khổ chương trình các hoạt động giỗ Tổ Hùng Vương-lễ hội Đền Hùng diễn ra tại tỉnh Phú Thọ.
Ông Lan đưa ra một loạt các ví dụ, như việc ông đã bắt gặp đoàn người hành hương, ngay ngoài sân Đền Thượng. Họ ngồi đọc kinh với vẻ thành kính. Đây là một bộ phận thực hành tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Ông Lan cho biết, những người thực hành này đọc các bài kinh rất chuẩn, đều đặn, mê mải, nhiều từ nói về Phật. Rồi, ông nhận xét, như vậy, Phật giáo đang đan xen vào tín ngưỡng thờ Hùng Vương nhiều.
Ông Lan còn nhấn mạnh vào ví dụ, khi ông vào được bên trong Đền Thượng, nhiều người không vào được đã nhờ các ông chuyển tiền qua khe cửa vào những mâm lễ trong điện.
Ngay cả việc các tượng phật được đặt vào tín ngưỡng thờ Hùng Vương tại trung tâm của nó là Đền Hùng.
Giáo sư Lê Văn Lan đưa ra ý kiến, chúng ta cần phải xem cả triệu người đến Đền Hùng, họ thực hành tín ngưỡng như thế thế nào để thấy được tín ngưỡng thờ Hùng Vương của dân gian bây giờ.
Theo ông Lan, đến lúc này, tín ngưỡng thờ Hùng Vương đang có những biến tướng đáng ngại, nó bị pha tạp nhiều yếu tố. "Đây là một thực trạng xuất phát từ việc thiếu hiểu biết của người dân về tín ngưỡng này. Họ thực hiện tín ngưỡng theo bản năng, làm những điều mình thích," vị giáo sư sử học nói.
Để khắc phục tình trạng này, ông Lan chỉ ra rằng, chỉ có một cách duy nhất là tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu để người dân hiểu được bản chất, ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Hùng Vương, giúp họ phân biệt được tín ngưỡng này với những tín ngưỡng hay tôn giáo khác.
Tuy nhiên, ông Lan cũng khẳng định, để làm được điều đó không hề dễ, công việc này cần có sự hợp lực của nhiều người, nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau để tuyên truyền trên cơ sở một giáo trình.
Đưa tín ngưỡng lại cho cộng đồng?
Theo giáo sư Ngô Đức Thịnh, niềm tin là yếu tố quan trong trong tín ngưỡng thờ Hùng Vương. Khi con người có niềm tin họ sẽ có một loạt các hành vi tín ngưỡng để thực hiện hành vi ấy nhưng trong quản lý xã hội lại hạn chế niềm tin của họ.
Ông Thịnh cho rằng, tín ngưỡng thờ Hùng Vương là hiện tượng xuyên thời đại và triều đại. Theo ông, xu hướng nhà nước hóa là điều đáng ngại, cần tăng cường vai trò chủ thể của người dân trong nghi lễ dân gian này.
Theo ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, có nhiều giải pháp cho tình trạng này. "Nhà nước cần khuyến khích, tạo điều kiện để phục hồi các lễ hội trên địa bàn Phú Thọ gắn liền hoặc kết hợp với tín ngưỡng Hùng Vương. Bên cạnh đó, Những năm lẻ, nên để cộng đồng làm chủ thể thực hiện lễ hội, còn nhà nước chỉ hỗ trợ về mặt an ninh trật tự và quảng bá tín ngưỡng, lễ hội," ông Huy đưa ra khuyến nghị.
Nhấn mạnh vào vai trò quản lý của nhà nước, ông Nguyễn Tiến Khôi, Chủ tịch Hội sử học Phú Thọ cho rằng, bất kỳ quốc gia nào tổ chức ra những hội hè, thánh điện đều cần có vai trò quản lý của nhà nước.
Ông Khôi lập luận, trong dịp lễ hội, nhà nước chỉ tổ chức và quản lý trong dịp giỗ Tổ. Mỗi ngày Đền Hùng đón nhận cả triệu người về hành hương nếu không có vai trò quản lý của nhà nước thì ở đó sẽ mất trật tự an ninh...
Phó giáo sư Đặng Văn Bài còn cho biết thêm, nơi thực hành tín ngưỡng thờ Hùng Vương không chỉ có ở Đền Hùng mà còn có ở 108 điểm là đình, đền, miếu trên địa bàn Phú Thọ nói riêng và ở trên 1.000 điểm trên cả nước nói chung để người dân thực hiện tín ngưỡng mà không có sự tham gia của nhà nước./.
Thiên Linh