Du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường

Cập nhật: 27/03/2012
Ô nhiễm môi trường đang là vấn nạn lớn đối với nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Công tác bảo vệ môi trường đã và đang được xúc tiến qua nhiều hoạt động. Ở nhiều quốc gia, du lịch là một ngành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy vậy, trong quá trình hoạt động nếu thiếu sự kiểm soát, du lịch cũng có thể mang lại những tác động tiêu cực, trong đó có ô nhiễm môi trường.

Du lịch sinh thái hiện nay được coi là một loại hình du lịch thân thiện với môi trường. Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch bền vững này như: hệ thống rừng đặc dụng có 164 khu, với tổng diện tích gần 2,3 triệu ha. Hầu hết các khu rừng đặc dụng đều có phong cảnh đẹp, nguồn động vật, thực vật phong phú, hệ sinh thái, cảnh quan đặc thù, gắn với các giá trị về văn hóa, lịch sử và tâm linh. Nhiều khu rừng đặc dụng có tiềm năng lớn, là nơi lý tưởng để tổ chức các loại hình du lịch sinh thái, kết hợp nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học như: rừng đặc dụng Vồ Dơi rộng 3.600 ha là đại diện cho hệ sinh thái rừng U Minh Hạ phong phú và quý hiếm; rừng Phong Nha – Kẻ Bàng; Cúc Phương…

Ngoài ra, Việt Nam còn có hơn 3.200km bờ biển trải dọc từ Bắc xuống Nam. Bờ biển Việt Nam gồm nhiều đoạn lồi lõm đã tạo ra khoảng 125 bãi tắm đẹp, với những bãi cát mịn trải dài thoai thoải và làn nước trong xanh như: Trà Cổ, Sầm Sơn, Cửa Lò, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu... hay là những miệt vườn cây trái sum sê ở đồng bằng sông Cửu Long với đủ loại hương vị của xoài, chôm chôm, thanh long, nhãn, quýt, cam...là những tiềm năng lớn để phát triển du lịch sinh thái ở nước ta.

Tuy nhiên, tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú đó đang phải đối mặt với sự đe dọa nghiêm trọng đến từ nhiều vấn nạn như: tàn phá rừng để khai thác gỗ, săn bắn các loài thú, khai thác các khoáng sản quý; ngăn đập làm thuỷ điện, gây ô nhiễm cho sông suối bởi hoạt động khai khoáng. Ở khu vực ven biển, nhiều nơi chưa được áp dụng các công nghệ xử lý nước thải, chất thải dẫn đến ô nhiễm môi trường biển. Việc đánh bắt hải sản và các nguồn lợi từ biển thiếu sự quản lý của các cấp chính quyền cũng làm cho hệ sinh thái biển bị mất cân bằng. Ngoài ra việc đánh bắt, khai thác bằng những phương tiện như đánh mìn, dùng hóa chất... cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới biển.

Ở các khu du lịch như Cúc Phương, Phong Nha – Kẻ Bàng, Cát Tiên, Bãi Cháy,... trung bình mỗi ngày đón 1000 lượt khách, có thời gian cao điểm tới 5000 lượt khách/ngày dẫn tới cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng cho lượng khách đông đảo này. Điều dễ nhận thấy đó là nhà vệ sinh xuống cấp, mất vệ sinh, rác thải tràn lan do không đủ thùng rác, cây cối bị bẻ, ngắt…

Để phát triển du lịch sinh thái theo hướng thân thiện với môi trường thì việc tạo cơ chế, chính sách phát triển du lịch sinh thái bền vững là rất quan trọng. Điều này tạo ra một hành lang pháp lý cho hoạt động du lịch sinh thái nhằm làm cơ sở cho việc giám sát chặt chẽ hoạt động du lịch và quản lý nguồn tài nguyên. Vì vậy, cần sớm triển khai quy hoạch tổng thể và chi tiết cho các cụm, điểm du lịch chưa có quy hoạch cho phát triển du lịch sinh thái đồng thời đánh giá tiềm năng tài nguyên làm cơ sở cho việc nghiên cứu, phát triển.

Giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ về môi trường không chỉ dừng lại ở du khách, cộng đồng dân cư địa phương mà còn phải tiến hành ở cả các cấp quản lý, các đơn vị và đối tượng kinh doanh tại điểm du lịch sinh thái bằng nhiều hình thức như: tổ chức cuộc vận động, phổ biến văn bản hướng dẫn, phát hành ấn phẩm, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, chiếu phim, hay thông qua việc thuyết minh về bảo vệ môi trường của các hướng dẫn viên du lịch.

Để du lịch sinh thái thực sự đóng góp hiệu quả vào công tác bảo vệ môi trường thì một yếu tố quan trọng là sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của cộng đồng địa phương. Người dân địa phương sẽ không hợp tác vào quá trình phát triển du lịch sinh thái nếu họ không nhận được lợi ích từ loại hình du lịch này. Chính vì vậy cần gắn kết phát triển du lịch sinh thái với sự phát triển của cộng đồng dân cư, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, qua đó giúp họ nâng cao nhận thức về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường du lịch tại điểm đến nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài, bền vững.

Hương Lê

Nguồn: Trung tâm Thông tin Du lịch