Ngày 26/3, tại Trung tâm hội nghị tỉnh đã diễn ra buổi Tọa đàm khoa học Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương – Hội tụ văn hóa tâm linh, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dự tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Doãn Khánh, UV TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Dân Mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Minh Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hà Kế San, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh cùng nhiều viện sĩ, giáo sư, tiến sỹ của Hội đồng khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng di sản văn hóa quốc gia và Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
Thờ cúng Hùng Vương là một truyền thống lâu đời của dân tộc. Truyền thống ấy thấm sâu vào lòng người, trở thành một nhu cầu về tình cảm, một biểu hiện của đạo đức. Đặc biệt, truyền thống ấy tạo nên sức mạnh tinh thần, đại đoàn kết toàn dân tộc để vượt qua mọi gian nan, thử thách trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Truyền thống thờ vua Hùng gắn liền với truyền thống thờ cúng tổ tiên ở mỗi gia đình Việt Nam, là một tín ngưỡng sâu sắc, tồn tại từ lâu đời như một tôn giáo bản địa.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Hoàng Dân Mạc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khẳng định: Tỉnh Phú Thọ đã cố gắng trong việc bảo vệ di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong nhiều năm qua, nhận thức sâu sắc giá trị đại diện của di sản và mục tiêu đưa di sản đề cử để được bảo vệ ở cấp độ quốc tế. Đồng chí mong muốn, các giáo sư, các nhà khoa học sẽ đóng góp nhiều ý kiến quý báu, làm rõ tính đại diện nhân loại, sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, tạo ra một không gian văn hóa Hùng Vương cũng như cách thức bảo tồn và phát huy di sản, nâng cao nhận thức, năng lực cho cộng đồng.
Buổi tọa đàm đã nhận được nhiều tham luận của các nhà khoa học, tập trung đánh giá, khẳng định những giá trị đặc sắc nhất của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, làm nên giá trị văn hóa dân tộc; thực hành thờ cúng Hùng Vương, sự trao truyền, nối tiếp của tín ngưỡng, sự sáng tạo trong cộng đồng; biện pháp nâng cao nhận thức ở cả 3 cấp cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế; biện pháp bảo tồn văn hóa phi vật thể gắn với văn hóa vật thể; quan hệ hài hòa giữa vai trò của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng.
Buổi tọa đàm là một hoạt động quan trọng trong Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2012, góp phần củng cố, hoàn thiện Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trình UNESCO xem xét, thông qua vào tháng 11 tới.
Những ý kiến tham luận của các nhà khoa học tại buổi tọa đàm sẽ là cơ sở để chỉnh sửa, bổ sung vào hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Phú Thọ Online