Lễ hội Gióng làng Phù Đổng (huyện Gia Lâm) và khu vực đền Sóc (huyện Sóc Sơn) được hình thành từ vương triều Lý, thế kỷ thứ X, là lễ hội truyền thống đặc sắc, nổi tiếng vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Từ khi không gian lễ hội Gióng trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, công tác bảo tồn, phát huy giá trị một cách bền vững luôn được thành phố Hà Nội coi là trọng trách.
Một trong những cách làm thiết thực, đó là thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với lễ hội Gióng nhằm quảng bá các giá trị di sản văn hóa đến với đông đảo công chúng; đồng thời mở ra một sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn cho Hà Nội.
Lễ hội Gióng được các làng Phù Đổng, Phù Dực, Đổng Viên, Đổng Xuyên (huyện Gia Lâm) và các làng Vệ Linh, Phù Mã, Yên Sào, Dược Thượng, Đức Hậu, Xuân Dục, Yên Tàng (huyện Sóc Sơn) tổ chức thường niên, theo hình thức liên làng.
Lễ hội mô phỏng các trận đấu của Thánh Gióng chống giặc Ân một cách hào hùng, sinh động; thể hiện tinh thần quyết thắng của nhân dân Việt cổ trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, lễ hội Gióng vẫn giữ được khá nguyên vẹn giá trị vốn có do các tiền bối sáng tạo và truyền lại. Đó là một trong những giá trị cốt yếu để hội Gióng xứng đáng được vinh danh trên toàn thế giới.
Cùng với sự sôi động của lễ hội, tại các làng còn tồn tại hàng loạt di tích thờ tự, cùng với hàng chục sắc phong, bia ký và nguồn chuyện kể dân gian phong phú, phục vụ nhu cầu thực hành tín ngưỡng, nhu cầu tìm hiểu lịch sử văn hóa của khách trong và ngoài nước.
Thực tế, trên địa bàn Hà Nội còn có rất nhiều quận, huyện tổ chức hội Gióng, nhưng lễ hội tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn), nơi Thánh Gióng bay về trời và đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), nơi sinh ra Thánh Gióng gắn liền với truyền thuyết và nghi thức tổ chức cũng hoàn chỉnh hơn.
Chính vì vậy, trong những ngày mở hội tại đền Sóc (ngày 6 tháng Giêng âm lịch) và đền Phù Đổng (ngày 9 tháng Tư âm lịch), hàng vạn người dân trong vùng và khách thập phương nô nức tới dự lễ, xem hội.
Song song với việc bảo tồn không gian lễ hội Gióng; công tác phát huy giá trị của lễ hội này cũng không kém phần quan trọng, giúp nó không chỉ sống mãi trong đời sống văn hóa tinh thần người dân mà còn tạo ra những giá trị vô giá khác. Trong đó, đưa du lịch vào để khai thác các giá trị văn hóa, để quảng bá di sản tới bạn bè trong nước và quốc tế được xem như là giải pháp khá cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội khẳng định: “Hội Gióng là một lễ hội đặc sắc, mang nhiều nét văn hóa riêng biệt và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nên càng khiến nó có điều kiện hấp dẫn du khách. Những nơi diễn ra hội Gióng cũng hội đủ điều kiện phát triển du lịch như cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, dịch vụ du lịch đầy đủ, có thể kết nối với các địa danh du lịch khác. Phối kết hợp các yếu tố này, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nội đang xây dựng đề án phát huy giá trị không gian lễ hội Gióng, vừa khơi dậy và quảng bá các giá trị văn hóa của di sản, vừa tạo điểm đến mới cho ngành du lịch.”
Cũng theo ông Trương Minh Tiến, một trong những mục tiêu khi đưa du lịch vào không gian lễ hội Gióng, đó là các nhà văn hóa và du lịch mong muốn góp phần vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đồng thời giáo dục truyền thống văn hóa Việt Nam cho người dân thông qua con đường du lịch.
Đó là một thiện chí tốt, nhưng vấn đề là giải pháp thực hiện như nào để du lịch không làm phá vỡ không gian văn hóa, mà trái lại nó sẽ tương hỗ lẫn nhau.
Mối quan hệ này đang được các bên tính toán để du khách sớm được thụ hưởng các giá trị văn hóa đã được vinh danh là di sản của nhân loại, trong một không gian thuần Việt.
Cái khó của không gian lễ hội Gióng khi đưa vào du lịch được chỉ ra là lễ hội chỉ diễn ra vỏn vẹn vài ngày, phải làm sao để du khách có thể xem, nhìn, nghe và cảm nhận trong cả một năm.
Giải quyết vấn đề này, cả những người làm văn hóa và du lịch đều đưa ra ý tưởng, phải lấy giá trị gốc của lễ hội để duy trì thường xuyên.
Có nghĩa là ngoài thời gian diễn ra lễ hội phải có sự mô phỏng trong thời gian còn lại để chuyển tải đến du khách phần hồn của lễ hội, để du khách hiểu được ý nghĩa của truyền thuyết và những giá trị trường tồn của nó. Dưới góc độ du lịch, buộc phải làm điều đó nhưng cho dù dựng lại một hay nhiều tích diễn thì tuyệt nhiên không được làm biến dạng cái gốc ban đầu.
Bên cạnh đó, khi đưa du khách vào thụ hưởng không gian lễ hội Gióng, người ta cũng tính đến chuyện đầu tư hạ tầng du lịch; các dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Hơn nữa, những người làm du lịch có thể kết nối với các sản phẩm du lịch khác trong vùng như du lịch homestay (du lịch cộng đồng) tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm; du lịch tâm linh, du lịch sinh thái tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn).
Ý tưởng phát huy giá trị không gian lễ hội Gióng thông qua du lịch rất nhân văn. Tuy nhiên để hiện thực hóa ý tưởng này, vừa bảo tồn được giá trị truyền thống, vừa đem lại cơ hội cho du lịch thì không phải ngày một ngày hai.