Phát triển VH-DL Tây Ninh: Đầu tư chiều sâu để bảo vệ môi trường

Cập nhật: 29/03/2012
Như tin đã đưa, trong 4 ngày từ 28 – 31.3, tại Tây Ninh, Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Tây Ninh tổ chức lớp Tập huấn phổ biến kiến thức quản lý và bảo vệ môi trường văn hóa - du lịch (VH-DL) tỉnh Tây Ninh - 2012.

Theo số liệu của Sở VHTTDL Tây Ninh, năm 2011, khách du lịch đến Tây Ninh (bao gồm cả khách lưu trú và khách lữ hành) đều tăng so với năm 2010. Trong đó khách tham quan Khu du lịch núi Bà Đen là 2.154.947 lượt, tăng 6,7% so cùng kỳ. Hội xuân núi Bà Đen được xem là điểm nhấn của ngành du lịch Tây Ninh. Hội xuân núi Bà Đen năm 2011 được tổ chức (từ ngày 3.2.2011 đến ngày 4.3.2011 nhằm ngày mùng 1 tháng Giêng đến ngày 30 tháng Giêng Âm lịch). Khách tham quan Hội xuân núi Bà Đen trong tháng Giêng là 1.373.300 lượt, tăng 5,7% so với cùng kỳ.

Ngoài Hội xuân núi Bà Đen, trong các tháng đầu năm 2012, các tụ điểm du lịch khác như Khu du lịch Long Điền Sơn, Tòa thánh Cao Đài đều có rất đông du khách đến tham quan. Trong đó, lượng khách tại Tòa thánh Cao Đài rất lớn. Ngày lễ vía Đức Chí Tôn (mùng 8 tháng Giêng) có hơn 35.000 lượt người về dự lễ. Tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam có 5 du khách người Mỹ vốn là cựu binh trong cuộc chiến tranh Việt Nam đến thăm lại chiến trường xưa.

Hồi tháng 5.2011, trong cuộc làm việc giữa Bộ VHTTDL với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn cho rằng, muốn bộ mặt du lịch Tây Ninh thật sự thay đổi, cần phải đầu tư cho ngành này theo chiều sâu. Đó là việc phát triển chất lượng dịch vụ du lịch, điều mà du lịch Tây Ninh đang thiếu. Theo đại diện của Tổng cục Du Lịch, về cơ bản Tây Ninh đã có chiến lược phát triển du lịch đúng hướng, tuy nhiên mỗi địa danh của tỉnh như núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng… cần phải phát triển thành thương hiệu. Mà muốn có thương hiệu thì ở mỗi nơi phải có những sản phẩm du lịch cụ thể để phục vụ du khách. Nói khác đi, cần phải tăng chất lượng công nghiệp du lịch, phát triển dịch vụ chứ không thể chỉ khai thác những cái đã có sẵn. Ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển du lịch cho rằng: Tây Ninh cần thu hút các nhà đầu tư từ nơi khác đến làm dự án du lịch- điều mà hiện tại còn rất hiếm. Tuy nhiên, vấn đề có tính quyết định là chính sách thu hút của tỉnh. Ông Siêu cũng cho rằng, Tây Ninh cần tìm cách thu hút khách du lịch của TP.HCM lên (chỉ cần khoảng 30% trong số này đã là thành công), đồng thời phải tìm cách giữ chân được họ. Muốn vậy, phải đầu tư cho hạ tầng du lịch.

Theo lãnh đạo Sở VHTTDL, trong năm 2012 này sẽ thực hiện một số giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng du lịch Tây Ninh. Trong đó, ngoài khâu quảng bá du lịch sẽ đặc biệt được chú trọng nhằm thu hút và kêu gọi đầu tư phát triển ngành du lịch. Sẽ hình thành các văn phòng tiếp thị du lịch tại các thị trường lớn; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng giới thiệu, quảng bá về du lịch Tây Ninh; xây dựng thương hiệu cho các dịch vụ du lịch. Có chính sách thu hút lao động qua đào tạo, chất lượng cao từ các địa phương và khu vực khác kể cả lao động nước ngoài để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Ngành du lịch Tây Ninh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch cho khách du lịch và cộng đồng dân cư. Đây là chiến lược lâu dài và chính sách mà ngành VHTTDL Tây Ninh luôn chú trọng. Đặc biệt là được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ VHTTDL, chắc chắn công tác bảo vệ môi trường trong VH-DL sẽ đạt kết quả cao.

 

Ngành du lịch Tây Ninh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch cho khách du lịch và cộng đồng dân cư. Đây là chiến lược lâu dài và chính sách mà ngành VHTTDL Tây Ninh luôn chú trọng.

Nguồn: VTR/VH