Với mong muốn xây dựng một đại lộ đẹp nhất TPHCM, TP dự kiến sẽ xây dựng tuyến BRT (xe buýt nhanh) trên đại lộ Đông Tây theo mô hình xe buýt xanh với hệ thống cây xanh dày đặc và sử dụng năng lượng xanh.
Cụ thể, tuyến BRT này sẽ bắt đầu từ bến xe miền Tây mới (huyện Bình Chánh) và điểm cuối là ga trung tâm ở Thủ Thiêm (quận 2) với chiều dài tuyến khoảng 21km. Trên mái che nhà chờ của tuyến xe buýt này sẽ được trồng các loại cây xanh nhiệt đới để tạo bóng mát cho hành khách, ban đêm nhà chờ sẽ sử dụng điện mặt trời và gió dự trữ từ ban ngày để chiếu sáng. Nhà chờ được bố trí cách nhau chừng 400m - 1.000m.
Ngày 28/3, ông Vương Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị - cho biết hiện ban quản lý đang nhanh chóng hoàn thiện dự án và triển khai xây dựng tuyến BRT này trong thời gian sớm nhất. Trong dự án này, Ngân hàng Thế giới sẽ cho vay khoản 150 triệu USD. Dự kiến đến năm 2013, tuyến BRT này sẽ được đưa vào sử dụng giai đoạn 1.
BRT là hình thức xe buýt sử dụng xe khách loại lớn (80 chỗ) chạy trên các làn đường dành riêng hoặc ưu tiên để đảm bảo không ùn tắc, tuân thủ đúng thời gian hành trình và chở được số lượng hành khách lớn.
Theo Thạc sĩ Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TPHCM) thì BRT là loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn rẻ tiền nhất, là giải pháp khả thi nhất để giải quyết vấn nạn ùn tắc tại TPHCM.
Nó không chỉ vận chuyển được khối lượng lớn, đúng giờ, tốc độ nhanh mà chi phí đầu tư thấp hơn rất nhiều các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn khác như xe điện một ray, metro (chi phí đầu tư cho BRT là 1 – 2 triệu USD/km, cho xe điện một ray là 20 triệu USD/km, cho metro là 100 triệu USD/km).